Cứ ngồi đây thôi

CỨ NGỒI ĐÂY THÔI

Thơ Ngô Hữu Đoàn

Nhà xuất bản văn nghệ

Chịu trách nhiệm xuất bản: Nguyễn Đức Bình

Biên tập: Thanh Phượng

Sửa bản in: Thanh Loan – Thành Phát

Trình bày: Nguyễn Tam Phù Sa

Bìa: Tác giả

MỘT SỐ BÀI TRONG  TẬP THƠ CỨ NGỒI ĐÂY THÔI

NHỚ TRƯỜNG XƯA

Trường lớp ơi dệt chi ngày thơ ấu
Trời sinh chi cây phượng đỏ mỗi hè
Gió làm chi công việc chở tiếng ve
Cài lên tóc những nỗi niềm nhung nhớ.

Những kỷ niệm mang sắc màu sách vở
Vào trong tim xây tổ tự bao giờ
Tà áo em trên phố mỏng như tơ
Cũng xô ngã… vỡ òa trong ký ức.

Nhớ người thầy hiền vui và mẫu mực
Nhớ bạn bè thường bá cổ quàng vai
Nhớ bác phu trường vui tính khôi hài
Nhớ đêm trực trường hái dừa bị bắt.

Nhớ cánh cửa xanh tên em anh khắc
Mũi compa nhọn hoắt dễ gì phai
Chiếc bàn gãy chân cuối lớp nằm dài
Cũng giành chỗ hẳn hoi trong trí nhớ…

Chẳng biết thầy cô ai về ai ở
Chẳng biết bạn bè trôi giạt về đâu
Chẳng biết người em chớm mối tình đầu
Đã đọc thư tình nhét trong bìa sách ?

Đêm nay ta một mình bộc bạch
Nhớ mãi thôi ! ôi kỷ niệm học trò
Trời sinh chi loài hoa màu máu đỏ
Gió làm chi cho chảy đẫm tiếng ve.

CHIỀU

Một chiều ôm lấy một chiều
Lá vàng lợp mái tranh xiêu Mẹ ngồi
Thoạt nghe tiếng lá đùa trôi
Giật mình mẹ bảo “con tôi đã về” !

VỀ QUÊ

Tôi về thăm lối mòn xưa
Thăm mùa lúa trổ hương đưa ngát phòng
Trường xưa một nét rêu phong
Thầy xưa có lẽ lưng còng mắt nheo
Đường làng một lối cong queo
Xuống sâu rồi chợt lên đèo vút cao
Ngày xuân nghe lá thì thào
Đêm nhìn con suối chở sao vội vàng
Cô em đôi mắt mơ màng
Nhìn tôi rồi chợt nhìn sang nơi nào.

Nay về trời vẫn giăng cao
Đồng xưa vẫn tiếng rì rào thân thương
Lối xưa giờ đã thành đường
Người xưa có lẽ vấn vương … nơi nào !
Tôi về đêm ấy chiêm bao
Cánh mai trắng cũ rơi vào suối xưa !

BÀI THƠ ĐÊM VALENTINE

Anh viết cho em bài thơ đêm nay
Đêm ngày xưa anh gọi là “cơ hội”
Đêm mà đất trời ngày xưa quên tối
Để đặt tên riêng cho những cuộc tình.

Nhớ phút nghẹn ngào buổi tối khai sinh
Sau quá dài một mối tình thai nghén
Đôi má em những giọt trăng rón rén
Chợt vỡ òa… trăng em ! trăng anh !

Anh viết cho em bài thơ đêm nay
Đêm em bảo tình yêu vào lễ hội
Đêm ngày xưa mấy tuần em hờn dỗi
Đèn thôn quê không tỏ nổi tháng ngày.

Anh viết cho em bài thơ đêm nay
Anh không gọi bằng tiếng Tây khó nhớ
Anh không có túi kẹo màu rực rỡ
Quà cho em là… cái nhớ tơi bời.

Trong cái tơi bời anh sẽ gởi em
Một ngụm nước từ muôn trùng biển nhớ
Một phần lẻ cái hôn đầu trăng vỡ
Một lời yêu giữa chữ nghĩa bạt ngàn.

Anh viết cho em bài thơ đêm nay
Đêm em bảo tình yêu vào lễ hội
Đêm mà đất trời ngày xưa quên tối
Để đặt tên riêng cho những cuộc tình.

TRĂNG XÓM NÚI

Mảnh trăng vỡ vụn rơi đầu dốc
Hoa bưởi dậy thì, hương bưởi bay
Em ngồi nghiên bút trong ô cửa
Đèn, sách vô tình uống trăng… say !

Nhà em phố núi trăng thành tuyết
Lạnh buốt đồi hoang, lạnh mái tranh
Có người xóm dưới yêu hoa bưởi
Len lén trèo lên… ngắt lá xanh !

Trăng nghiêng mây tóc làm trăng khuyết
Một cõi trời riêng cho riêng trăng
Rồi trăng đi ngủ khi đèn tắt
Vụn vỡ trời riêng, hương bưởi bay …

THÂN PHẬN

Em trượt chân té xuống đời anh
Cho xiêm y trở thành kỷ vật
Gót son hồng nhuộm màu tro đất
Giấc mơ thơm khuyết tật… chòng chành.

Em trượt chân té xuống đời anh
Cho cơm áo níu chiều ra phố
Đêm ngồi khâu tháng ngày loang lổ
Nỗi âu lo thường trú… rêu xanh !

Quà tặng mùa đông

Đọc tập thơ “Quà tặng mùa đông” của Thanh Trắc Nguyễn Văn

Nhờ một chút duyên rất tình cờ, tôi được nhà thơ nữ Thái Thanh Nguyên trao bản thảo tập thơ “Quà tặng mùa đông” của một tác giả chưa quen, nói chính xác là chỉ gặp vài lần trên báo và một số tuyển tập thơ của nhiều tác giả – đó là Thanh Trắc Nguyễn Văn.

Thật ra trong sáng tạo nghệ thuật – những trường hợp “văn kỳ thinh bất kiến kỳ hình” như vậy không phải là hiếm hoi. Bởi vì dù sao, khi ta đọc tác phẩm của một ai đó thì cũng có nghĩa là ta đã được diện kiến với người viết thông qua diện mạo đứa con tinh thần của tác giả. Bây giờ, xin được trở lại với tập thơ “Quà tặng mùa đông” của Thanh Trắc Nguyễn Văn

Với hơn 60 bài thơ đa phần là ngắn, tác giả đã đề cập đến nhiều cung bậc khác nhau của đời sống tình cảm, đời sống xã hội – vốn dĩ không bao giờ đơn giản. Những “hỷ, nộ, ái, ố…” tưởng đâu đã quá quen thuộc đến độ phải nhàm chán giữa bộn bề lo toan của cuộc sống đời thường, bỗng trở nên mới mẻ trước cái nhìn thấu cảm của đôi mắt thi nhân:

Gặp nhau không nói được lời
Đành nâng chén rượu giữa trời mưa bay
Chén em rót mãi chẳng say
Chén ta chưa hứng đã đầy hoàng hôn

(Uống rượu với người yêu cũ)

Nhớ thương buộc lại nhà thơ
Mười năm bão táp vẫn dờ dật bay

(Nuối tiếc)

Dường như tác giả tỏ ra khá chắc tay ở các thể thơ truyền thống mà lục bát là một ví dụ rõ nét. Ở những bài thơ tự do trong tập, thỉnh thoảng người đọc cũng nhặt ra được nhiều câu thơ đầy cảm xúc và tâm trạng, chẳng hạn như:

Đất chưa hoá vàng đã từng giờ rỉ máu
Bao nhân nghĩa cuộc đời theo nước lã trôi sông

(Cơn sốt đất)

Nửa đêm thức giấc đầu vai cụng
Mộng mị cạn dần lệ rót vẫn chưa vơi

(Rượu tha hương)

Ảnh ảo là ta hay ta ảo ảnh
Soi nửa đời người sao chỉ thấy nửa đời gương

(Soi gương)

Một số ít bài còn lại trong tập, nhất là những bài thơ dài thường rơi vào tình trạng chung: dàn trải và lập lại. “Phóng sự đêm Sài Gòn” là ví dụ điển hình cho nhược điểm này.

Dẫu sao, đây cũng chỉ là những cảm nhận ban đầu, mang đậm dấu ấn chủ quan, xin được giãi bày đôi điều cùng tác giả Thanh Trắc Nguyễn Văn – một người làm thơ tôi chưa được quen nhưng cũng không đến nỗi hoàn toàn xa lạ

Phan Thiết, mùa hạ 2007
ĐỖ QUANG VINH

Thay lời kết

Em về đeo thánh giá
Dắt ta kẻ tội đồ
Sáng danh là Thiên Chúa
Tội danh là… làm thơ!
Bờ vai em tròn nhỏ
Đưa ta đến dại khờ!…

Vậy đó! Thơ văn bao giờ cũng là cái nghiệp; và đã cái nghiệp thì dẫu làm nghề gì, ở đâu, giàu có hay nghèo khổ cũng không thể bỏ được thơ.

“Tội danh là… làm thơ”, xem ra cách tự trào này cũng không phải là không có lý bởi chính nhà thơ không ít đã gây ra hoặc rơi vào khoảnh khắc ngẩn ngơ trước cái đẹp, cái buồn vô cớ, vu vơ… Riêng với Thanh Trắc Nguyễn Văn hẳn còn đi xa hơn những cảm xúc đó vì anh vật vã, vì anh trăn trở nên thơ anh chất chứa nỗi niềm:

Người ta xúm xít làm thơ
Tôi về gác bút ngồi mơ làm người
Làm người biết khóc, biết cười
Biết yêu thật khó gấp mười làm thơ.

(Làm người)

“Quà tặng mùa đông” là tập thơ thứ tư của anh, chưa kể anh đã góp mặt gần hai chục tập thơ có giá trị đã ra mắt bạn đọc.

Chỉ qua tập thơ “Quà tặng mùa đông” cũng dễ nhận ra, Thanh Trắc Nguyễn Văn đến với thơ không chỉ vì yêu thơ mà cái “nghiệp thơ” đã buộc chặt vào anh không hề lơi lỏng và có lẽ thế nên đọc thơ anh, ta sẽ gặp ít nhiều đồng cảm.

TRẦN DUY LÝ

Vần thơ điếu tang

VẦN THƠ ĐIẾU TANG

Quý hữu, Vĩnh Long

Vĩnh biệt công nhân bị thiệt mạng do sập cầu

Trung thu vừa tiễn một ngày
Hậu Giang hoạ gửi tay bay ụp về
Bão sầu quét rộng biệt ly
Tang thương một sáng cướp đi mạng người
Dòng Thu đọng nước mắt rơi
Đau thương úp chụp vào đời công nhân
Bàn tay nối mạch sông Ngân
Buông xuôi vĩnh viễn nỗi hằn mai sau
Ngựa đau khuấy động cả tàu
Hôm nay khắp nước hướng vào Hậu Giang

Đêm 26.09.07
Quý Hữu

Lời điếu

Cần thơ sửng sốt
Vĩnh Long bàng hoàng
Nhịp cầu đột quỵ
Tang thương đổ đàng!
Khăn trắng mẹ mang
Con thơ lơ láo
Tre già khóc măng
Mỹ Hoà nhốn nháo..!
Các anh hy sinh
Nối mạch nhơn sanh
San bằng nghèo khó….
Cầu xây còn đó
Mãi mãi trường tồn
Đông Tây nối nhịp
Tình thương lên hơn…
Các anh ngã xuống
Cho cầu thông thoáng
Tình yêu Bắc Nam
Căng tràn nhựa sống…
Cả nước thương tâm
Ba Miền truy điệu
Các anh góp phần:
Đẩy
Nhịp
Sống
Dâng…

Đêm 28.09.07
Quý Hữu
—–

Hạnh Phương, Đồng Nai

1

Tim tình chung một nỗi đau
Một con ngựa ốm cả tàu biếng ăn
Nạn tai sửng sốt kinh hoàng
Sập cầu!… lệ thảm !… Hậu giang khổ đời!
Nỗi đau tím đất lạnh trời
Sông sâu lại nhuốm máu người… Buồn thay!

Đêm 26.09.07
Hạnh Phương

2

Trải lòng chín khúc đớn đau
Từng ngày qua vẫn cùng nhau sửng sờ
Còn ba người nữa nơi mô
Nhân dân cả nước trông chờ tin đây!

Sáng 01.10.07
Hạnh Phương
—–

Thạch Trung, Mỏ Cày, Bến Tre

1

Tai ương ụp xuống đất này
Bao vành khăn trắng u hoài trẻ thơ
Mẹ già con dại bơ vơ
Tiếng kêu xé ruột vang bờ Hậu giang
Hung tin cả nước bàng hoàng
Chung tay cứu trợ gan vàng xót xa

Đêm 27.09.07
Thạch Trung

2

Lá lành đùm lá rách
Nhanh tay cứu đồng bào
Mất mát quá lớn lao
Tai ương sao khủng khiếp!
Hàng ngàn tấn sắt thép
Đổ ụp xuống thình lình
Hậu giang tràn lệ thảm!
Người người đều thương cảm
Tuỳ của ít lòng nhiều
Thể hiện lòng thương yêu
Cùng đồng bào ruột thịt!
Tương lai mây mờ mù mịt
Bao vợ goá con côi
Trụ cột gảy đi rồi
Còn đâu nơi nương tựa!

Sáng 28.09.07
Thạch Trung

3

Trời Hậu giang âm u vần vũ
Đất Bình Minh ủ rũ xót thương
Máu anh thấm đỏ mặt đường
Đồng bào cả nước đoạn trường xót đau
Với đất nước, công lao không nhỏ
Góp mồ hôi, góp cả máu đào
Cầu xây để lại mai sau
Hy sinh tính mạng ai nào quên anh!

01g15 01.10.07
Thạch Trung
—–

Lê Đình Hiếu – Qui Nhơn

Chia xẻ

Tin dữ Cần Thơ đã sập cầu
Bàng hoàng thắc mắc tại vì đâu?
Lỗi do thiết kế thăm dò hở
Lỗi ở thi công giám sát sao?
Năm chục mạng người oan uổng quá
Hàng trăm cảnh ngộ xót xa đau
Xa xôi xin gửi lời thương tiếc
Mong lãnh đạo ngành vào cuộc mau.

Đêm 30.09.07
Lê Đình Hiếu
—–

Hữu Nghĩa, Vĩnh Long

Nghe tin lòng những xốn xang,
Mấy mươi nhân mạng chết oan dưới cầu.
Đất bằng bỗng hoá bể dâu,
Vành khăn côi cút quấn đầu trẻ thơ.
Vợ hiền nửa tỉnh nửa mơ,
Mẹ già thắt ruột lệ mờ khóc con.
Cây cầu muôn thuở vẫn còn,
Người qua kẻ lại đậm buồn sông sâu.
đôi dòng chia sẻ nổi đau,
nỗi đau này có đau nào vượt hơn.

Đêm 30.09.07
Hữu Nghĩa
—–

Bích Nhãn Hồ, TP Hồ Chí Minh

Tai bay hoạ gửi vì đâu,
Bỗng dưng đổ ập xuống đầu nhân dân
Chiều nay sông nước Hậu Giang
Chít vành khăn trắng để tang cho người

Sáng 01.10.07
Bích Nhãn Hồ
—–

Trăng Cửu Long, Vĩnh Long

Huyền sử một chiếc cầu

Từ rất lâu muốn qua dòng sông Hậu
Xe nối đuôi chờ đợi chuyến sang phà
Hướng mở đường cầu mới bắc qua
Đưa châu thổ đi lên hoà nhịp sống
Những bước chân cũng có hồi hụt hẫng
Mất mát lót đường cho bước tương lai
Cầu bắc chưa xong nhịp đã rụng rơi
Và rớt xuống gây đau thương tan tóc
Trên năm mươi người ngủ yên trên sự cố
Gần trăm công nhân thương tích đầy mình
Một số kẹt còn dưới khối đổ rơi
Nhiều mất mát Cần Thơ ơi! Cầu lịch sử!
Ta viết dòng này với nhiều trăn trở
Thương sao thương cho tai nạn xãy ra
Mai hoàn thành… Qua đó vẫn xót xa!
Bước tiếp bước… Bao hy sinh mất mát
Ai qua đó… dành phút giây tưởng niệm
Mong cho người siêu thoát kiếp luân hồi
Càng đẹp, càng cao, nguy hiểm vời vợi !…
Đổi mạng sống cho người sau tiếp bước

28.09.07
Trăng Cửu Long
—–

Bình Tam Lê, Vĩnh Long

Ai điếu nạn nhân sập cầu Cần Thơ

Khu Mỹ Thuận thành công vang dội
Cầu Cần Thơ phấn khởi thi công
Khoảng hơn năm nữa là xong
Hỡi ơi sự cố đau lòng xảy ra!

Hai nhịp dẫn hôm qua gượng đứng
Đếm sáng ngày rơi rụng ầm ầm
Hàng trăm lao động kinh tâm
Đất bằng sóng dậy quỷ thần có hay?

Vừa mới đó hồn bay khỏi xác
Xót thân nhân tao tác đau thương
Từ nay cách biệt âm dương
Từ nay trụ cột giữa đường gãy ngang

Cầu cột dẫn còn toan chỉnh lại
Trụ cột gia đình mòn mỏi ngàn năm
Đồng bào từ Bắc chí Nam
Ban ngành chính phủ xốn xang ngập đầu

Người thương tật yên khâu cứu chữa
Tiền thuốc thang bữa bữa thăm trao
Còn mong cười nói ồn ào
Còn ngày hát khúc “Qua cầu gió bay”

Riêng các bạn về đây phưởng phất
Quanh nén hương nghe tấc lòng thành
Hỡi người trong cõi u minh
Thấu chăng giây phút tâm tình trước sau?

Kìa đất nước mong giàu ước mạnh
Kìa hiền nhân muốn sánh năm châu
Quyết tâm đổi mới bền lâu
Nối vòng thế giới đường, cầu… vì dân!

Bạn gương mẫu làm ăn lương thiện
Đem sức trai độ miệng gia đình
Mồ hôi đổ khắp công trình
Góp phần xây dựng nước mình tiến lên

Những tưởng sẽ ngày đêm gắn bó
Những tưởng khi lộng gió giữa sông
Thênh thang hai bến khai thông
Cờ treo nhạc trổi vui sông Hậu này…

Được ai nắm bàn tay chai sạm
Những bàn tay dũng cảm hân hoan
Cầu treo dài nhất Việt Nam
Cầu treo !… lệ đổ hàng hàng, bạn ơi!

Ngày ấy đến, người người nhớ bạn
Dấu hy sinh tính mạng còn đây
Xa dần đã góp sức ngay
Mộ phần, nhà cửa… đủ đầy thiện tâm

Nay khấn nguyện thậm thâm diệu pháp
Đón chơn linh đều nhập Tây Phương
Không còn tứ khổ đa mang
Yên vui đới nghiệp Niết bàn vãng sinh…

30.09.07
Bình Tam Lê
—–

Ngô Hữu Đoàn, TP Hồ Chí Minh

Sông thu bên cây cầu đỏ
(Thương xót mấy chục con người ngã xuống trong vụ sập cầu Cần Thơ 26.09.07)

Ôi, cây cầu, cây cầu…
Cây cầu Cần Thơ trên quê hương tôi
Cây cầu đã lấy xương người làm sắt
Lấy máu, lấy thịt làm hồ
Lấy sinh mạng của mấy chục con người
Bắc qua sông Hậu

Quê hương tôi đã có bao nhiêu
Cây cầu chờ cong, vênh, lún, sập
Em qua cầu tim em thôi đập
“Cha” nào “rút ruột” nó chưa?

Cầu bây giờ thường xây bằng oda
Ruột của nó là ruột tôi, ruột anh
Ruột mẹ già và ruột em thơ chưa đẻ
Nhưng thôi nhé, xác hồn rày cách biệt
Dưới gầm sâu sắt đá cấu thây người
Một nén hương, giọt nước mắt đỏ tươi
Quỳ gối xuống với hồn linh sông nước

Mai đây tôi đi, anh đi
Bà mẹ già đi qua xác con mình năm cũ
Nghẹn ngào cúi xuống rưng rưng
Con nước lặng lẽ ngậm ngùi
Trời mây loang khói tủi
Thương đời con ngắn ngủi một sinh linh
Mai sau con hóa kiếp đám lục bình
Nở bông hoa cảnh tỉnh tím đôi bờ sông Hậu

26.09.07
Ngô Hữu Đoàn

Cầu Chữ Y – khúc quanh thành phố

Trong thời điểm này cầu Chữ Y đã được tháo dỡ. Khó có thể nói trước dự án tái thiết một cách chính xác bởi tình hình kinh tế biến động không ngừng. Có thể xây lại cây cầu trên nền cũ phù hợp với dự án đại lộ Đông Tây hay làm một cây cầu trên toạ độ khác? Dẫu sao, sau này hình ảnh cây cầu Chữ Y quen thuộc sẽ khác trước xa nên tôi post lại bài viết cách đây 7 năm để gọi là chút tư liệu cho lớp bạn trẻ sau này muốn chơi trò “khảo cổ”:

CẦU CHỮ Y – KHÚC QUANH THÀNH PHỐ

Cầu Chữ Y được cấu trúc bởi 3 nhánh. Nhánh trở ra Nguyễn Biểu dài 179m, nhánh đổ xuống chợ Rạch Ông dài 179m và nhánh đi về cù lao Chánh Hưng dài 144m. Tổng chiều dài hơn 502m, lòng cầu rộng 9m, lề đi bộ rộng 0,7m. Được khởi công xây dựng từ năm 1938 đến 1941, sửa chữa lần đầu vào năm 1948 và sửa chữa lớn năm 1992. Khác với mọi cây cầu trong thành phố, cầu Chữ Y được bắc trên một ngã ba kinh: kinh Tẻ, kinh Đôi và kinh Tàu Hủ.

Xưa, khi xứ này còn nằm trong địa hạt Chợ Quán, các nhánh kinh nói trên đều thuộc mạng lưới rạch Bến Nghé. Về sau nhiều đoạn kinh bị san lấp để xây dựng hệ thống đường bộ nên các nhánh kinh bị tách rời, đồng đổ ra Tân Bình Giang và được đặt lại mỗi đoạn một cái tên khác nhau.

Vào những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến, cầu Chữ Y cùng các cây cầu khác như cầu Thị Nghè, cầu Kiệu, cầu Bông… đã trở thành những chiến luỹ vững chắc bao vây quân Pháp. Từ đây quân dân Du kích ngoại thành phối hợp với lực lượng Xung kích nội thành đã nhiều phen làm rung động bộ máy chính trị thực dân. Ngày 24.9.1945 lực lượng vũ trang cách mạng quần chúng đã chặn đánh và kiên cường chống trả sự đàn áp của quân Pháp.

Trong cuộc tiến công và nỗi dậy xuân Mậu Thân 1968, từ ngày 30 đến 31.1.1968
(mồng 1 và mồng 2 tết), với sự hỗ trợ của đồng bào, lực lượng quân giải phóng đã vượt cầu Chữ Y, tiến thẳng đến ngã tư Nancy (Trần Hưng Đạo – Nguyễn Văn Cừ) đánh tan một ổ đại bác cố thủ cùng nhiều xe bọc thép. Trong đợt tháng năm, quân và dân kháng chiến đã giữ vững quyền làm chủ khu vực cầu Chữ Y.

Từ 6 đến 12.5.1968 cuộc chiến đấu quyết liệt đã diễn ra suốt 7 ngày đêm. Bên Giải phóng quân chỉ có một tiểu đoàn đã chiến đấu anh dũng, phá huỷ nhiều phương tiện máy móc, tiêu diệt hơn 500 lính Quốc gia, phá hỏng 100 xe tăng… trước tình hình này, chính quyền Cọng hoà đã cho tăng cường quân sự bằng bom napan khiến nhiều nơi chìm trong lửa. Chiến dịch Mậu Thân thất bại, đến sau ngày 30.4.1945, cầu Chữ Y mới được trả lại cho nó cảnh quang hoà bình tươi đẹp.

Trong suốt 25 năm khắc phục biết bao khó khăn để đạt đến một nền kinh tế tương đối ổn định – Đất nước ta được đứng vào hàng ngũ các nước đang phát triển, đã gặt hái được nhiều thành tựu lớn. Song các vấn đề khó khăn lại tiếp tục diễn ra. Cầu Chữ Y đã phải gánh một phần khó khăn đó. Đường ngày càng trở nên chật chội ô nhiễm do mật độ xe tăng vọt. Để khai thác tiềm năng kinh tế những vùng lân cận như quận 7, Nhà Bè… nên việc tích cực giải toả mở mang đường phố không ngừng thực hiện. Nhưng điều đó vẫn không kịp đáp ứng số lượng khổng lồ xe cơ động đã đưa vào sử dụng.

Tình trạng kẹt cầu ngày càng gia tăng. Riêng cầu Chữ Y là một nút giao thông chủ chốt giữa trung tâm Sài Gòn và nhiều khu vực phát triển khác nên tình hình kẹt cầu hết sức trầm trọng. Từ sáng sớm đến chiều tối người xe qua lại trên cầu rất đông đúc. Đến giờ cao điểm, phải huy động lực lượng cảnh sát giao thông trên chục người điều hành liên tục mới giải toả được nạn kẹt xe. Đặc biệt cùng thời điểm đó, nhánh cầu rẽ về Hưng Phú, chân cầu rất yếu, nên tối thiểu phải có 4 chiến sĩ cảnh sát chặn chốt không cho xe tải lưu thông trên đoạn cầu này.

Chỉ tính trọng lượng tịnh của số lượng người xe trên cầu trong giờ cao điểm đã lên tới 500 tấn. Chưa kể sự cộng hưởng và nhiều yếu tố khác, chùng ấy thôi cũng đủ quá tải trọng qui định gấp nhiều lần. Người qua lại buộc phải đi trên con cầu quen thuộc mà không dứt nơm nớp lo sợ.

Mặt khác tình hình bất an ninh tại khu vực này đã vượt mức báo động. Khi vắng bóng cảnh sát, bất kể lúc người xe nườm nượp, cảnh giựt dọc thanh toán nhau diễn ra vô tư trên cầu. Dưới gầm cầu là khu vực cấm người lai vãng, được rào kín bằng lưới B40. Song chỉ cấm người vãng lai chứ không cấm người bám trụ. Khắp lòng cầu là cảnh mắc võng nằm, phơi quần áo, tắm giặt, quây quần đánh bạc, hút chích công khai… chen chúc nhau như cái chợ trời đủ loại tệ nạn.

Cầu Chữ Y bây giờ thực sự là một khúc quanh thành phố. Bởi lẽ nơi đó vừa là ngã rẽ, giao thông nội thành đồng thời cũng là nỗi băn khoăn cho người qua lại và là sự trăn trở của các nhà quản lý.

Để tạo điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao mạng lưới đường bộ và trước mắt giải toả ách tắc cầu Chữ Y, một số công trình cầu đường đang thi công và tiến hành xây dựng dự án. Đó là cây cầu Nguyễn Tri Phương đang được thi công giai đoạn I. Toàn tuyến cầu và đường dài 3000m, trong đó gồm đường Nguyễn Tri Phương nối dài và 3 cây cầu bắc qua kinh Tàu Hủ, Kinh Đôi. Cầu Nguyễn Tri Phương dài khoảng 300m, rộng 13m. Tổng vốn đầu tư là 213 tỷ đồng.

Tiếp đến là dự án cấu Chữ Y II do Sở GTCC và UBND thành phố phối hợp đầu tư xây dựng. Có hai phương án từ đường Nguyễn Văn Cừ bắc một nhánh qua cù lao Nguyễn Kiệm và đầu kia nối với đường Dương Bá Trạc, hoặc từ đường Nguyễn Văn Cừ bắc sang giữa cù lao Nguyễn Kiệu, từ đó tẻ một nhánh đến đường Bến Vân Đồn và Tôn Thất Thuyết. Dự kiến cây cầu dài 300m và rộng 12m, kinh phí đấu tư khoảng 40 triệu Franc Pháp.

Hiện nay hãnghãng EIFFEL Cộng hoà Pháp đã tìm nguồn tài trợ giúp 3,5 triệu không hoàn trả. Phần còn lại Sở GTCC và UBND thành phố sẽ tổ chức vay vốn theo nhiều hình thức.

THÁI THANH NGUYÊN
Tạp chí Viet Nam Feedback Thương mại & Giao thông vận tải Số 10 – năm 2000.

Đông y học tân biên khái yếu

ĐÔNG Y HỌC TÂN BIÊN KHÁI YẾU
Tập 1 – 2: Lương y Thái Thanh Nguyên
Tập 3 – 4: Lương y Phan Trọng Phục
Biên dịch

Chịu trách nhiệm xuất bản: Mai Thời Chính – Thái Thăng Long
Biên tập: Nguyễn Trường – Ngô Thị Hạnh
Bìa: Lê Ký Thương
Trình bày: Quỳnh Dao

NXB Thanh Niên 2007
Doanh nghiệp Thành Nghĩa ( Nhà sách Nguyễn Văn Cừ ) phát hành

Lời giới thiệu

Đông y học là một bộ phận trong nền tảng triết luận của Đông Phương học – đó là một hệ thống học thuật mang tính tiên đề đã được trải qua mấy ngàn năm thực nghiệm – đến nay đã được đúc kết tinh túy và bổ sung rất hoàn chỉnh. Qua đó, Đông y học đem lại nhiều thành tựu lớn trong công tác bảo vệ sức khỏe và nghiên cứu điều trị bệnh tật cho con người ở đa phần quốc gia Đông bán cầu.

Ngày nay việc nghiên cứu Đông y đã lan rộng khắp thế giới nhờ ưu thế sử dụng nguồn dược liệu từ động thực vật thiên nhiên ít gây tác dụng phụ. Một ưu điểm khác của Đông y học là một phần trong đó đã trở thành bộ môn thực dưỡng trị liệu phổ biến, mọi người đều có thể tự nghiên cứu, chọn lọc, áp dụng thích hợp, cũng mang lại khá nhiều hiệu quả.

Tài liệu về Đông y học trên thế giới hiện nay rất phong phú được xuất bản từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Pháp… Tuy nhiên, việc dịch thuật sang Việt ngữ hãy còn thưa thớt, chậm trể, thiếu tính cập nhật.

Bộ sách Tân Biên Trung y học khái yếu của Nhân dân vệ sinh xuất bản Xã, xuất bản tại Bắc Kinh – Trung Quốc, do tập thể Trung y bác sĩ của Trung y học viện các tỉnh Quảng Đông, Hồ Nam, Quảng Tây… Trung Quốc đồng biên soạn, là bộ sách Đông y được viết bằng Trung văn rất công phu và tương đối đầy đủ. Trong đó gồm:

Phần 1: Lý luận cơ bản, có 9 thiên: Âm dương ngũ hành – Tạng phủ – Khí huyết tinh tân dịch
 – Kinh lạc – Bệnh nguyên – Tứ chẩn – Bát cương biện chứng – Tạng phủ hiện chứng luận trị – Ôn nhiệt bệnh biện luận.

Phần 2: Trị pháp phương dược, có 3 thiên: Nguyên tắc trị liệu – Tri thức cơ bản phương dược, dược vật – Trị pháp và phương dược.

Phần 3: Phòng trị bệnh tật, có 2 thiên: Diệt bệnh trừ hại – Biện chứng và trị liệu bệnh tật.

Thiết nghĩ bộ sách rất có giá trị làm tư liệu học tập, tham khảo đối với người làm công tác Đông y nên chúng tôi kết hợp với các vị lương y thâm niên ưu tú tiến hành biên dịch sang Việt ngữ và sắp xếp lại thành 4 quyển:

Quyển 1: Lý luận cơ bản và trị pháp

Quyển 2: Phương tễ

Do lương y Thái Thanh Nguyên thực hiện

Quyển 3: Dược vật

Quyển 4: Bệnh học

Do lương y Phan Trọng Phục thực hiện

Nội dung của mỗi tập có nói rõ nguyên lý sâu xa và thực tiễn tính của y học cổ truyền đồng thời kết hợp những phát minh từ nghiên cứu chứng nghiệm của Y học hiện đại.

Trong việc biên dịch, phương pháp diễn đạt hầu Việt hóa thuật ngữ, các lương y đã hết sức cố gắng vận dụng kiến thức và lòng nhiệt tình yêu nghề để giới thiệu bộ sách với quý đồng nghiệp và các bạn yêu thích thu thập tư liệu về Đông y học. Tuy nhiên nếu có sơ sót gì mong được quý vị cao minh đóng góp thêm.

NHÀ XUẤT BẢN THANH NIÊN

   

Xem Càn Long Thanh cung nhớ Trần Lê gia trang

Những ngày cuối thu này, Đà lạt có vàng thêm bởi những bước tôi nhẹ rơi thầm trên từng quãng dốc? Nàng tiên Trần Lê gia trang đã phi di về Đức Trọng, bỏ lại anh chàng Dinh 2 lặng lẽ với dáng u mặc trăm năm như cái thời nàng chưa hề đậu xuống nơi đây. Biết rằng đổi dời là lẽ thường của vạn vật, nhưng cái tôi nhiên nhiên này cũng không khỏi chút nao lòng. Hẳn chút nao lòng ấy cũng là nhiên nhiên chăng? Tôi sẽ dẫn bài viết hồi năm nảo năm nao ra đây hầu chuyện, rồi các bạn sẽ đồng cảm với những chút nao lòng của các bậc thiền sư, dĩ nhiên cho cả cái nhiên nhiên thấp thỏi của tôi nữa!

XEM CÀN LONG THANH CUNG NHỚ TRẦN LÊ GIA TRANG

Phim “Những câu chuyện về vua Càn Long” đã đề cao một ông vua lý tưởng một cách quá đáng, xa rời chính sử, và còn ngợi ca chí khí hào nữ, tài trí, tư tưởng cách mạng của những cô gái dân dã thời phong kiến. Những phụ nữ đó ở Việt Nam nhiều vô số kể. Những nhân vật: Võng Thị, Khương Tân, Trịnh Hoài Tú, Kim Vô Châm có thật không? Chưa ai xác định được, nhưng những nữ anh hùng, nữ chuyên gia, nữ lãnh đạo, nữ nghệ nhân, các bà mẹ anh hùng của Việt Nam qua từng thời đại là có thật. Họ hiện hữu trong đất nước ta, gần gũi bên ta, ngày ngày bằng trí tuệ, bản lĩnh, phẩm hạnh, tài năng… họ đã đấu tranh giải phóng dân tộc và tạo nên nhiều sản phẩm làm giàu cho bản thân, cho gia đình, cho đất nước và lưu truyền danh tiếng mãi về sau.

Chắc các bạn đã thán phục nhân vật Kim Vô Châm – không một miếng võ, không một tấc sắt cầm tay – chỉ bằng tấm lòng và sự tinh nghệ, đã cảm hoá một Sầm Cửu thất phu ngông cuồng trở nên một hiệp khách? Tại thị trấn An Lạc, huyện Bình Chánh, TPHCM, có nữ nghệ nhân hoạ sĩ Lê Thị Kim Dung thêu tranh bằng chỉ tơ lụa đẹp và linh động như cảnh sống thật. Nhân vật huyền thoại nói trên khiến tôi liên tưởng ngay tới tài năng của chị.

Tranh thêu tay của Trần Lê Gia Trang quả thực đã thu hút được những người vốn thờ ơ với nghệ thuật, chỉ chuyên trang trí tư phòng bằng những tranh studio hoặc tranh vẽ bằng sơn dầu màu nước. Nay một lần được hướng dẫn xem tranh của chị, tôi nghĩ: phải sưu tập một số hình ảnh chụp lại, đặt riêng một góc phòng để ngày ngày chiêm ngưỡng. Xem tranh của chị rồi, về nhà cứ thương thương nhớ nhớ như thương nhớ người tình; ước sao có thể mang về một bức cho thoả dạ. Các tao nhân mặc khách đến đây giao lưu, có nhiều người xuất bút thành thơ cho vài tác phẩm hầu biểu lộ lòng rung cảm giữa thơ và hoạ.

Tranh thêu của chị miêu tả nét văn hoá đặc thù của dân tộc Việt nam. Về Hoa có: Tranh “Mai Đào” trắng hồng hài hoà hương sắc. Có tranh “Đầm Sen và chim uyên ương” trắng tím lung linh tinh khiết, sống động với các đôi uyên ương gắn bó, man mác với những chiếc lá sen bạc màu, sắt se với màu da trời ánh trong dòng nước bạc…

Về cảnh có: “Vịnh hạ Long” ngàn năm huyền ảo. Có cảnh quê với tàng đa cổ thụ vững chãi, mái lá nên thơ, con đò lặng lẽ, xa xa ẩn hiện hàng cau rặng dừa trù phú. Có cảnh Phật bà tự tại bên ghềnh đá nói lên một lý sống vô cùng nhân bản: Dù ở tận cùng trời cuối đất, lòng ta vẫn tự tại an nhiên, vì trước mặt ta sẽ xuất hiện một một lối mới đầy những hoa sen thơm ngát, sẵn sàng nâng bước ta đi.

Về điển tích có: Tranh “Hồng Lâu Mộng” vương giả thanh tao như cảnh thiên đình. Có tranh “Hoa quả sơn” với cuộc sống tự do hoà bình hạnh phúc.

Về tình có tranh “Chị em” đùm bọc che chở nhau trong buổi kinh hoàng. Có tranh “Bác Hồ ở Pác Bó”, giữa cảnh sắc mênh mông muôn màu, Bác vẫn ngày đêm lo việc nước. Có tranh “Thiếu nữ ngủ trưa” với những nét đẹp trong trắng, bình dị, khát khao hạnh phúc và không phải ngẩu nhiên mà tác giả bố cục đôi dép úp ngửa kiểu Âm Dương

Hàng trăm tranh đẹp xuất thần
Mỗi tranh mỗi vẽ, mười phân vẹn mười.

Làm sao có thể phân tách hết được nét sắc sảo trong từng đường kim mũi chỉ. Làm sao có thể miêu tả hết được cái chất sống linh động trong từng bức tranh. Sao có thể dùng văn từ để diễn đạt hết được những điều sâu xa ý nhị của tác phẩm … Mà chỉ có thể thưởng thức trực tiếp, chúng ta mới có thể cảm nhận hết được.

Mời bạn hãy đến A 13/32 đường Tên Lửa, bạn sẽ được hướng dẫn đến gặp chủ nhân và tác phẩm. Bạn sẽ hiểu được tình người và nghệ thuật tại Trần Lê Gia Trang. Sẽ ngạc nhiên biết mấy, khi các bạn gặp ở đây không chỉ có người có tranh mà còn có cảnh thật.

Với đôi tay khéo léo, óc sáng tạo và một vốn sống phong phú, đôi vợ chồng nghệ nhân Trần Ngọc Thành – Lê Thị Kim Dung đã cải tạo mấy mẫu đất hoang thành một vườn tĩnh tâm kỳ thú. Bên ngoài là hồ bơi, nhà thuỷ tạ, sân quần vợt, xưởng thêu, nhà nghỉ để bạn có đủ điều kiện rèn luyện cơ bắp. Điều đó làm tinh thần bạn sảng khoái, mọi cảm giác bệnh tật đều tiêu tan.

Vào trong là vườn lan bốn mùa ngào ngạt hương thơm. Vườn kiểng cổ bon sai tạo tác công phu đa dạng làm bạn thấy cuộc đời như được thăng hoa, tâm hồn như trong sạch hơn bao giờ hết.

Càng vào trong bạn như đi dần vào cái cõi thiện nhất trong con người của chính mình. Bạn như đang dạo chơi một thắng cảnh thiên nhiên nào đó trên quê hương vì quanh bạn là những cảnh quang nghệ thuật hết sức tự nhiên. Cuối cùng bạn sẽ thung dung ngồi uống trà để đàm đạo và tự do tĩnh tâm hoặc tha hồ sáng tác tại ngôi gia tự trang nghiêm.

Các tác phẩm bon sai của Trần lê gia Trang đã liên tục đạt được huy chương vàng trong các Hội hoa xuân thành phố Hồ Chí Minh. Tranh thêu tay của chị Kim Dung đã tham gia triển lãm trưng bày phục vụ các nơi như: Hội Mỹ thuật TPHCM vào tết Dương lịch năm 1999, tại Cần Thơ trong dịp lễ 2.9.1998 và phục vụ Hội nghị Khuyến nông Đồng bằng sông Cửu long… Một vinh dự to lớn là tranh thêu tay của Trần Lê gia trang đã đại diện ngành tranh thêu Việt nam phục vụ hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 từ 8 – 16.12.1998 tại Hà Nội, đã có rất đông khách trong và ngoài nước đến tham quan và mua tranh.

Nhiều dư luận quốc tế đã đánh giá Trần Lê Gia Trang là một trong những viên ngọc quí của Việt Nam. Những con người ở đây đã sống, cống hiến và hưởng thụ bằng chính tài trí của mình. Qua đó tôi trộm nghĩ nếu chúng ta cũng có điều kiện thu xếp cơ ngơi của mình bằng đôi tay và khả năng “liệu cơm gấp mắm”, thì tư thất của ta cũng trở thành Cảnh sắc.

THÁI KIM THANH NGUYÊN
Báo Khoa học phổ thông, phụ san số 485 – năm 1999

Tâm thiền với thi hứng của Nguyễn Du qua Văn tế thập loại chúng sinh

TÂM THIỀN VỚI THI HỨNG CỦA NGUYỄN DU QUA VĂN TẾ THẬP LOẠI CHÚNG SINH

Có nghiên cứu các thi phẩm của Nguyễn Du mới thấy rằng Hồng Sơn Lam Thuỷ, tác giả truyện Kiều thực đã thấm nhuần tâm kinh Phật giáo hết sức thâm sâu. Cái tâm linh Phật giáo ấy đã làm nguồn cảm hứng sáng tác của thi sĩ như chính ông đã thú nhận:

Mãn cảnh giai không hà hữu tướng
Thử tâm thường định bất ly thiền.

(Ngập không gian đều là chân không đâu có hình tướng
Tâm này thường tập trung vào ý thức thiền định).

Cái ý thức thiền định ấy hay cái Tâm Thiền ấy như thế nào mà là nguồn sáng tác văn nghệ của thi sĩ?

Trong kinh nhà Phật có viết: “Citta is like an artist, because it effects manifold Karman” (Kasyapa-parivarta-99), nghĩa là: “Tâm thức giống như một nghệ sĩ vì nó tác dụng thiên hình vạn tượng Nghiệp quả”.

Và trong kinh Tiểu Thừa Majjhima-nikaya III,203 do Herbert V. Guenther trích dẫn ra tiếng Anh có giải rõ rằng: “Ở trên đời không có gì phức tạp hơn là hội hoạ, và một tuyệt tác hội hoạ lại càng phức tạp hơn nữa. Hoạ sĩ của một tuyệt tác đều bị ý ảnh khích động vào chổ này chổ kia, hay nét bút này nét bút nọ. Vì ý niệm của bức hoạ mới nổi lên những hoạt động tinh thần tác dụng hoạch định bối cảnh tô màu điểm xuyết và nhuận sắc. Đấy là một bức hoạ để trở nên một tác phẩm có một hình đẹp trong tâm làm kế hoạch. Sau đây ltrong lịch trình chính đáng và theo cách thức như hoạt động của tâm thức đã biểu diễn ra, hình này phải ở bên trên hình chính, hình kia phải ở dưới, và những cài này phải ở đôi bên, phần chót của bức tranh đều được hoạch định cả. Theo đường lối ấy mà tất cả nghệ thuật khác nhau trên thế giới đã do Tâm thức tạo nên. Căn cứ vào khả năng sản xuất những kết quả khác nhau, một tâm thức sáng tạo ra bức hoạ này bức hoạ kia có thể gọi được là chính tâm thức vậy. Tuy nhiên tâm thức còn giàu sắc thái hơn thế nữa, bởi vì cái trò hội hoạ của tâm thức không thể nào miêu tả hết được”.

Bởi vậy mà Thế Tôn đã nói: – Này Tỳ khưu, con đã từng trông thấy bức danh hoạ nào chưa?
– Thưa Thế Tôn, đã!
– Này Tỳ Khưu, bức danh hoạ ấy là do tâm thức tạo ra. Nhưng tâm thức còn nhiều sắc thái hơn bức hoạ ấy!

Người ta chứng minh tính chất khác biệt và thiên hình vạn trạng tác phẩm bằng sự xác định tính chất khác biệt và thiên hình vạn trạng của Nghiệp quả. Người ta chứng minh tính chất khác biệt và thiên hình vạn trạng của những quan niệm bằng cách xác định sự khác biệt và thiên hình vạn trạng của tác phẩm. Xác định quan niệm khác biệt thấy được sự khác biệt thấy được sự khác biệt của từ ngữ, xác định sự khác biệt của từ ngữ thấy được sự khác biệt của Nghiệp quả. Quan hệ với Nghiệp quả khác nhau, có sự khác nhau của vận mệnh chúng sinh tự biểu hiện ra là loại không có chân, hay là có chân, bốn chân hay nhiều chân, hay là mối quan hệ với thế giới vật chất và tinh thần, hay chỉ là quan hệ với thế giới tinh thần, có quan niệm hay không quan niệm, hay chẳng có và không có quan niệm. Quan niệm với Nghiệp quả khác nhau, người ta biết được sự khác nhau về hiện sinh của chúng sinh, hoặc quí hay tiện, thấp hay cao, sướng hay khổ. Quan hệ với sự phồn đa của chúng sinh đối với hình thức hiện sinh cá nhân của chúng, hoặc đẹp hay xấu, dòng dõi thượng lưu hay hạ lưu, dáng điệu cao sang hay tiều tuỵ Người ta cũng biết sự khác biệt của chúng sinh về sự nghiệp, giầu nghèo, khen chê, vui buồn là quan hệ với sự khác nhau của Nghiệp quả.

Xa hơn nữa, người ta đã thấy rằng:
Do Nghiệp quả mà sắc tướng xuất hiện, do sắc tướng mà sinh ra khái niệm. Vì khái niệm mà có sự phân biệt ra đàn ông, đàn bà, bên nam bên nữ.
Do Nghiệp quả mà thế giới vận động, nhân dân sinh sống, chúng sinh liên hệ với nhau như bánh xe quay liên tục với trục xe.
Do Nghiệp quả mà người ta nổi danh và được ca tụng, cũng do Nghiệp quả mà lụn bại, hay chết chóc gông cùm. Đã hiểu Nghiệp quả phồn tạp như thế thì làm sao người ta có thể nói rằng không có Nghiệp quả ở đời được?

Và chính cái Tâm thiền ấy, Nguyễn Du thực sự phản chiếu mạnh vào hai tác phẩm Quốc văn là: Văn Tế Thập loại Chúng Sinh và Đoạn Trường Tân Thanh.

Ở Văn Tế Thập loại Chúng Sinh, Nguyễn Du đã đem dốc cả bầu tình cảm nồng nàn với trí tưởng tượng mạnh mẽ để làm sống lại tất cả cảnh huống đau khổ của thân phận con người trong cái xã hội loạn ly tai biến thời Lê mạt.

Đã sống qua một thời nhiễu nhương, từng mắt thấy tai nghe những việc xảy ra đau đớn, làm sao tâm hồn. Nguyễn Du đa tình đa cảm, đóng vai kẻ sĩ thất bại ở chiến trường chính nghĩa của Nho gia, lại không phản tỉnh mà suy nghĩ sâu xa về thân phận con người, cuộc đời mong manh bất trắc. Làm sao một tâm hồn như thi sĩ Tố Như lại không tự đặt câu hỏi và lẽ tồn vong, nguyên lý sống chết, để đặt tin tưởng vào một thế giới bên kia mà thi sĩ mong trường cửu, có hạnh phúc hơn là đời sống hiện tại. Và thi sĩ buồn cho cái thế giới hiện tại đầy đau khổ, lòng thương tâm ngập tràn đến tận linh hồn của những người bất đắc kỳ tử. Ở đây Nguyễn Du đã tỏ ra một khuynh hướng thần bí và tín ngưỡng.

Muốn gợi ở thính giả tấm lòng rộng thương, tác giả văn tế này đã nhập đề bằng một cái cảnh mùa thu, sương lạnh gió may mưa dầm. Đấy là cảnh nên thơ, nhưng là một nguồn thơ man mác, hoài sầu bi ai oán.

Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt,
1- Toát hơi may, lạnh ngắt sương khô.
Não người thay buổi chiều thu;
2- Ngàn lau khóm bạc, lá ngô đồng vàng.
Đường bạch dương bóng chiều man mác,
3- Ngọn đường lê lác đác mưa sa;
Lòng nào lòng chẳng thiết tha,
4- Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.
Trong trường dạ tối tăm trời đất
5- Xót khôn thiêng phảng phất u minh
Thương thay thập loại chúng sinh
6- Phách đơn hồn chiếc lênh đênh quê người.
Hương khói đã không nơi nương tựa,
7- Phận mồ côi lần lữa đêm đêm
Còn chi ai khá ai hèn
8- Còn chi mà nói ai hèn ai ngu.

Thật là cả một sức tưởng tượng vẽ ra một thế giới linh hồn bơ vơ, khác nào trẻ mồ côi trên trần thế lang thang, bơ vơ không cửa không nhà. Thật là sẵn mối thương tâm để thương những người trong tưởng tượng như là những người có thật. Đối với tác giả hẳn là có thật, vì người ta chết đi chẳng qua “thác là thể phách còn là tinh anh”. Cho nên tác giả thương xót, cầu mong cho những linh hồn bơ vơ chưa thoát được có nơi yên nghỉ, không còn phân biệt sang hèn quí tiện, hết thảy đều được hưởng bình đẳng lòng từ bi rộng yêu của đức Phật.

Tiết đầu thu dựng đàn giải thoát,
9- Nước tĩnh bình tưới hạt dương chi;
Muôn nhờ đức Phật từ bi
10- Giải oan cứu khổ, hồn về Tây Phương.

Những u hồn ấy là ai? Thực ra là những u hồn vô danh mà ở các chùa có lệ ngày rằm tháng bảy làm lễ “xá tội vong nhân” để cứu vớt cho tất cả ai chết đi không có người cúng bái. Nhưng đối với Nguyễn Du những oan hồn ấy là tất cả thời đại giặc giã, chiến tranh, loạn ly, tai biến, từ từ diễn lại trước mắt tác giả như cuốn phim thời cuộc, bắt đầu từ Trịnh Sâm trước mặt Hoàng tử Lê Duy Vĩ thề: “một mất một còn, có vua thì không không có chúa, có chúa thì không có vua”. Cho đến khi linh cửu của vua Lê Chiêu Thống trái tim còn đỏ hỏn chưa tan, cùng bầy tôi tòng vong đem ở Tầu về đến cửa Nam Quan, bà Lê Hoàng Phi ra đón để rồi nhịn đói mà tự vẫn, cho trọn đạo nghĩa vợ chồng. Cả một nữa thế kỷ sân khấu Việt Nam còn diễn ra bao nhiêu màn bi kịch.

Nguyễn Du đem quan niệm thiện ác của triết lý Nho: “Ngũ phúc = sống lâu, giầu có, yên bình, đạođức, toàn tinh mệnh”.
“Lục cực = chết non, bệnh tật, lo âu, nghèo khổ, tai ác, ốm yếu” hợp với triết lý giải thoát tâm linh của Phật để thức tỉnh người đời thấy cảnh khổ ở thế giới bên kia của các linh hồn còn oán hận vì bất đắc kỳ tử và gọi lòng tin của người ta vào tình bác ái vô biên để vượt qua khỏi nỗi hoài nghi của tri thức về cái gì có, cái gì không.

Phật hữu tình từ bi phổ độ
Chớ ngại rằng có có không không.

Lý trí hay phân biệt có không, tình cảm chỉ biết cảm thông đồng điệu.
Cái ý tưởng ấy đã được tình cảm và tưởng tượng phong phú nhiệt thành của tác giả làm cho hết sức linh động, thấm thía bằng những ảnh tượng phong phú và thảm thiết. tác giả đã chọn thể song thất lục bát rất thích hợp để diễn tả ý tứ u buồn. Lời văn lưu loát trôi chảy của bài văn tế và vần điệu êm ái dễ gây tình cảm.

Nhà phê bình Ngô Tất Tố có kết luận về bài “văn tế thập loại chúng sinh” này rằng:

“Tuy là một thể tẩu bút nhưng lời văn cực kỳ trôi chẩy và cũng nhiều đoạn đặc sắc, nhất là hai câu:
Dãi dầu trong mấy mươi năm
Thở than dưới đất ăn nằm trên sương
Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn
Lặn mặt trời lẩn thẩn tìm ra

Thật là ai oán não nùng, đọc lên có thể khiến cho người ta thấy cảnh khổ cực của các u hồn”.

Bài này còn chúng tỏ khuynh hướng vạn hữu thần, vật linh của tác giả đã tìm cách tiến hoá vào tín ngưỡng tâm linh của Tịnh Độ môn trong Phật giáo, lấy tình yêu từ bi hỉ xả để tế độ chúng sinh một cách tích cực và để cảm thông với sự vật hơn là dùng trí thức để biện biệt sự vật, có hay không có.

VŨ THUỴ ĐĂNG LAN