Lương Châu từ – khúc bi ca thời chiến

LƯƠNG CHÂU TỪ – khúc bi ca thời chiến

Lương Châu từ là khúc hát Lương Châu, tức khúc hát về miền biên ải. Bước tri nhập đầu tiên từ đầu đề tác phẩm đã cho người đọc thấy rõ tình điệu chung của thi phẩm. Đây là loại đầu đề dựa vào tên một khúc thức của nhạc phủ như Thanh Bình Điệu, Trường Can Hành, Thiếu Niên Hành, Chiết Liễu Chi Từ, Thái Liên Khúc,… Nhưng Thái Liên Khúc có âm hưởng vui tươi, ca ngợi cuộc sống, còn Lương Châu Từ lại là nỗi cực khổ của người lính nơi biên ải.

Người Việt Nam say mê thi cổ Trung Hoa không mấy ai không biết đến bài thơ tứ tuyệt kỳ diệu Lương Châu Từ, dù có thể Vương Hàn là ai họ không hề biết. Bởi bài thơ “biên tái” ít nhiều này đụng đến vấn đề muôn thuở của loài người Việt: con người giữa thời chiến tranh. Trong chén rượu “ ly bôi” giữa phút ngập ngừng ở những cuộc tiễn đưa diễn ra đều ly kỳ và quá nhiều, chúng ta có cảm thức của Lương Châu Từ, một cảm thức rành rẽ về nỗi đau khó nói được che giấu đi nhưng vẫn mặc khái những điều thành thật của tâm hồn con người và thời đại.

Như bất cứ một bài thơ tứ tuyệt thông thường, Lương Châu Từ có thể chia thành hai phần rõ rệt. Hai câu đầu dùng để tả thực, kể sự:

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi

( Bồ đào rượu ngát chén lưu ly
Toan nhắp tì bà đã giục đi)

Còn hau câu sau là tình cảm, là ý tưởng, là thái độ của con người về một hiện thực rộng lớn hơn, khái quát hơn:

Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?

(Say khướt sa trường anh chớ mỉa
Xưa nay chinh chiến mấy ai về?)

Thơ tứ tuyệt đời Đường thiên về những vấn đề lớn của nhân loại hơn là lịch sử một cá nhân. Nhân vật trữ tình vì thế tự phóng mình ra khỏi chiều thời gian tuyến tính, xoá nhoà thời gian và những ràng buộc vụn vặt để kiểm nghiệm, suy tư. Thế nhưng vì giới hạn âm tiết, nhà thơ luôn chọn những thời khắc nhạy cảm, dồn nén nhiều tâm trạng nhất. Ở Lương Châu Từ cũng vậy, đấng nam nhi được đặt trong tình thế “lưỡng nan”: một bên là “bồ đào mỹ tửu”; một bên là “dục ẩm tì bà mã thượng”. Hai câu thơ đầy chất ước lệ. nhưng đấy lại là một ước lệ sáng giá vì nó làm hiện rõ chân dung nhân vật. Không chỉ vậy, nó tạo dựng một kịch tính, một kịch tính không chỉ của một người mà của cả một thời đại. Giữa hai khoảng không của câu thơ là một trường liên tưởng lớn về con người và thời đại, một bên là những gì mời gọi, hưởng lạc, một bên là tiếng réo gọi ra sa trường. Toàn bộ thảm kịch của đời chất chứa trong sự bâng khâng lựa chọn và cố gắng có ý nghĩa ấy của nhân vật. “Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi” là cuộc sống phồn hoa nơi Trường An kinh đô mua cười nghìn trận của bề trên. Còn trên lưng ngựa, tiếng tì bà réo gào của kẻ bề dưới chỉ biết tuân mệnh cứ giục đi.

Đi đâu, câu thơ bỏ ngỏ, mai phục… đi để làm gì, câu thơ không nói,… chỉ biết thứ tiếng “tì bà mã thượng” ấy thật kinh khiếp, nó là âm vang của một sự hãi hùng vô ảnh, dư sức đẩy một thân phận ra đi, dư sức dập tắt một khao khát trần thế hưởng lạc nhanh chóng.

Lương Châu từ có cái hay đạt đến độ “kinh nhân” trong ngữ pháp riêng biệt của nó. Câu đầu là một thế giới tĩnh: bồ đào mỹ tửu, dạ quang bôi. Nó chỉ có sự vật chỉ có danh từ. Đấy là thế ổn định của một cuộc sống song song đẹp, một cuộc sống đáng sống. Nhưng câu hai lại lại là sự náo loạn của cảnh “Trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt – Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây” . Câu thơ dùng tới ba động từ và một trợ động từ : dục, ẩm, thượng, thôi, đó là sự gấp gáp liên tiếp phá huỷ đến tận cùng hy vọng sống, là sự dồn đẩy của chiến tranh đối với con người.

Từ thế đối lập của các hình ảnh thơ ấy, ta biết rằng không ai có thể trách cứ “tuý ngoạ” say khướt của người ấy. Đấy chỉ là sự “sinh động con người” của một thân phận bị lưu đày trên mặt đất giữa thời chiến tranh.

Cái kì diệu ở cách tả tình ở hai câu thơ sau là sự xoá nhoà được ranh giới giữa người sáng tác và người đọc. Nhân vật trữ tình như ở bên chúng ta, thậm chí ở trong chúng ta. Nó vừa như chạm ly, vừa như chạm tình. “Quân mạc tiếu”, anh đừng cười nhé , nhẹ nhàng mà thâm thuýbiết bao ân tình và con người biết bao.

Câu thơ dường như nối được vòng tay những con người lại với nhau, một vòng tay nhân bản, dù những vòng tay ấy không chống đối được thế mệnh. Câu thơ cuối cùng buông nhẹ một chân lý, mọt chân lý đã cũ như mấy ngàn năm chiến tranh quen thuộc. Nhưng vì chân lý ấy, “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” chỉ đầy sự phi lý nên câu thơ đặt trong hình thức câu hỏi, như một vấn nạn thời đại. Hơn nữa, đó cũng là vấn nạn của nhân loại mà thơ tứ tuyệt đời Đường dù chỉ bé bằng bàn tay nhưng chứa đầy thế giới đã vẫn phổ quát được.

Rõ ràng, nhờ sự xoá nhoà “ma mãnh” đầy nghệ thuật ấy, hiện thực vẫn được hiện diện và phô bày phần bản chất của nó. Lương Châu Từ vì thế là khúc hát nhân bản về nỗi đau khó tả của con người giữa lòng chiến tranh. Và nhờ thế ta cũng hiểu được vì sao Lương Châu Từ trở thành bài thơ nằm lòng của người Việt Nam mấy trăm năm qua…

LÊ QUANG ĐỨC

Tắc kè chữa được những bệnh gì

  

TẮC KÈ CHỮA ĐƯỢC NHỮNG BỆNH GÌ?

Nhiều người hỏi phải tắc kè có tác dụng bổ dưỡng, chữa được đau lưng, yếu sinh lý và hen suyễn? Điều đó cũng không sai, song phải biết rõ dược tính của nó, sử dụng đúng trường hợp thì mới có ích lợi.

Tắc kè có tên thuốc là Bích hổ hay Cáp giới, tên khoa học Gekko Gekko L. Thuộc họ Tắc kè (Gekkonidae), bộ Thằn lằn (Lacertilia). Hình dạng Tắc kè giống con thạch sùng nhưng lại to bằng con thằn lằn. Đầu bẹp hơi tam giác, mắt có con ngươi thẳng đứng. Có bốn chân, mỗi chân có năm ngón rời nối với nhau thành hình chân vịt. Đầu lưng và đuôi đều có vẩy nhỏ, thay đổi được nhiều màu sắc. Đuôi dài bằng thân, khi đứt có thể mọc lại được. Tên tắc kè do đặt phỏng theo tiếng kêu của con trống.

Khi dọ tìm được ổ tắc kè, người ta chỉ cần dụ bắt một con đầu tiên thì các con khác sẽ tiếp nối ló đầu ra chịu chung số phận. Muốn dụ Tắc kè, thường buộc một con châu chấu vào một đầu que cùng với một mớ tóc rối. Đưa que vào hốc ổ, một con sẽ ngoạm lấy con mồi liền bị tóc rối vướng vào kẽ răng. Ta chỉ việc lôi ra mà bắt. Khi bắt phải nắm bằng gáy để phòng bị cắn. Tắc kè thu hoach được quanh năm. Song vào mùa hè thu chúng kêu nhiều nên dễ bị phát hiện, nên vào thời gian này cũng chính là lúc bội thu. Khi chế biến cần chú ý quấn đuôi cho đừng rụng, móc bỏ mắt và chặt bỏ 4 bàn chân.

Theo tài liệu cổ, Cáp giới vị mặn, tính ôn, vào hai kinh phế và thận. Có tác dụng tăng lực, bổ phế thận, ích tinh trợ dương, nạp khí. Dùng chữa hư lao, ho có mủ, ho ra máu, hen suyễn, tiêu khát. Người có đờm ẩm mà hen suyễn thì không dùng được bởi hàm lượng đạm cao trong tắc kè sẽ sinh thêm đàm. Do đó để trả lời cho câu hỏi của nhiều người, từ tính chất trên có thể rút ra kết luận: Tắc kè có thể chữa được đau lưng, mệt nhọc, yếu sinh lý và hen suyễn ở thể thận dương hư và phế khí hư. Ngoài ra, các chứng hen suyễn, xuất tinh sớm do thực hoả, thực tích, đàm thấp thì không được dùng.

Để phân biệt rõ hơn các thể bệnh, cần lưu ý các chứng trạng sau đây:

– Thể thận dương hư:

Người có dáng béo bệu hoặc gầy ốm xanh xao, tay chân mát lạnh, ớn lạnh, gặp thời tiết lạnh thì đau nhức, ăn thức mát sống thì tiêu phân sống, tiểu nhiều lần, tiểu đêm, thỉnh thoảng có phù nhẹ, khó thở, khó ngủ, mắt mờ tai váng…

– Thể phế khí hư:

Người xanh xao, hơi ngắn, làm việc một chút đã mệt mỏi đứt hơi, thường đau ê ẩm hai bả vai, tức ngực , có cơn khó thở, sợ lạnh, sợ tắm, ho dai dẳng có chút ít đàm dạng nhầy hoặc không có đàm, da khô mà lạnh lẽo.

– Thể thực hoả, thực tích, đàm thấp:

Thường thở ồ ồ, lúc kéo đàm lên làm khó thở, người bứt rứt, da nóng, mặt đỏ, táo bón, tiểu vàng hoặc tiểu đục. Ăn nhiều thì kéo đàm khó thở, thường chóng mặt buốt đầu. Thử máu có khi thấy đường, đạm, lipid máu, cholesterol đều cao. Có khi cao huyết áp. Thể này không nên dùng tắc kè hoặc các vị thuốc có tác dụng tương đương như: hải mã, thịt dê, thịt chó, chim sẻ…

NHỮNG PHƯƠNG THUỐC KINH NGHIỆM DÂN GIAN

– Chữa thận dương hư làm đau lưng, nhức mỏi, mệt nhọc, suy nhược thần kinh:

Dùng 1 cặp hoặc 2 cặp tắc kè khô đã chế biến sẵn, mỗi cặp gồm một con trống một con mái. Ngâm vào một lít rượu 350 trong một tuần lễ. Lọc lấy nước trong uống mõi ngày một chung ốc trâu.

– Chữa ho mà ăn uống không được, chóng mặt tay chân nặng mỏi, tụt áp huyết:

Dùng tắc kè khô tẩm rượu sấy lại một đôi, Nhân sâm 20g – cả hai hiệp chung tán bột. Cất trong lọ kín. Mỗi ngày ăn 4g.

– Chữa ho lao, người già ho kèm yếu tim, có đàm khi đặc, khi loãng:

Dùng một đôi Tắc kè khô, Đảng sâm 20g, Sa nhân 20g – tất cả tán bột trộn đều. Thêm nạc táo đỏ, nhãn nhục mỗi thứ 10g quết nhuyễn hiệp chung nhào nặn thành
viên nặng 1g. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1-2 viên nhai và uống nước ấm.

Thái Thanh Nguyên
Báo Khoa học phổ thông – số 546

Lời minh oan cho nàng Thuý Vân

LỜI MINH OAN CHO NÀNG THUÝ VÂN

Bao nhiêu thế hệ đã đọc Kiều. Và họ đã quên Vân. Không những thế, họ không thèm chịu khó nhìn nhận về Vân để rồi xem nàng như một kẻ vô tâm may mắn. Bởi hai lần nàng lầm lỗi. Một là lúc nàng trách cứ chị khi chị Kiều khóc trước nấm mộ đầy ảm ảnh của Đạm Tiên:

“Vân rằng chị cũng nực cười
Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa”

Lần hai nàng ngủ một cách say sưa trong đêm gia đình họ Vương tan nát và ngày mai người chị của mình phải bắt đầu một cuộc đời cay nghiệt trong cõi hồng trần. Từ đó người ta vội vã hiểu cả cuộc đời nàng trong những lỗi lầm ngây thơ trẻ dại ở cái tuổi ăn no ngủ kỹ và quên luôn nàng một cách “vô tâm”.

Điều đó có vẻ trở nên xác đáng khi người đọc quen theo dấu mòn của những khuôn mặt hơn người đi trước khi nhìn về Thuý Vân, để rồi “ đóng khung” nàng trong ý niệm: Thuý Vân đúng là một kẻ như họ đã nghĩ.

Nhưng không, lòng yêu thương không hề gian dối.

Từ trong sâu thẳm, ta có thể nào quên Vân, vì nàng cũng là một kiếp người, mà biết đâu nàng lại là hiện diện một đời sống hằng thường, một loài hoa hèn cỏ nọi có mặt khắp cánh rừng.

Đời mênh mông chi xứ.

Còn Thuý Kiều lại như là một kỳ hoa dị thảo. Thử hỏi có bao nhiêu Kiều trong đời để ta dõi mắt yêu thương? Và có bao nhiêu là Vân trong đời để ta hờ hững?

Khéo thay, những niềm yêu thương đôi khi rất lầm lẫn. Qua bao nhiêu là nhiêu khê, Kiều đã sống giữa đời với niềm hạnh phúc được sẻ chia, được đồng cảm của nhiều số phận. Nhưng nàng Vân, như một kiếp hoa dại, vẫn cô đơn và bị lãng quên. Vâng, Vân đã sống gần như trong sa mạc lãng quên và không được chia sẻ thấu hiểu của mấy ai.

Trớ trêu thay của quả kiếp nhân duyên, nàng là em của Thuý Kiều, và vì thế nàng đã phải là vợ của Kim Trọng. Trong đêm trao duyên, Thuý Vân đã “ ân cần hỏi han” và tỏ ra là người hiểu Kiều:

“một nhà để chị riêng oan một mình”.

“nỗi riêng còn mắc mối tình chi đây”.

Và Thuý Kiều đã bày tỏ hết lòng mình một cách khôn ngoan để nhờ Thuý Vân “xót tình máu mủ , thay lời nước non”. Kiều đã nói liên tục và hình như chẳng muốn cho Vân được nói để khi

“Cạn lời hồn ngất máu say”.

Sau đó với cả nhà, Vân ngơ ngác đem thẳng bảo vật tình yêu của chị trao cho định nói điều chi thì Kiều đã ngắt lời trong nức nở đứt đoạn:

“Này cha làm lỗi duyên này
Thôi thì nỗi ấy sau này đã em”

Lỗi tơ tóc với chàng Kim giờ đây buộc Vân chia sẻ. Sau này trong lưu lạc, nhiều lần Kiều đã nhớ em, nhưng nhớ em trong nỗi băn khoăn về ân nợ duyên tình ngày nào chưa trả được với người yêu của mình. Cả nhà họ Vương cũng thế, họ chỉ nghĩ đến Vân như một người trả nợ duyên cho Kiều không hơn không kém:

“Trót lời nặng với lang quân
Mượn con em nó, Thuý Vân thay lời
Gọi là trả chút nghĩa người
Sầu này dằng dặc muôn đời chưa quên”

Có nhẫn tâm không khi “mượn” cả cuộc đời “ngày xuân em hãy còn dài” của Vân để xe dây một cách khập khiểng cho chàng Kim. Có ai đã nghĩ thế không? Và sau này nàng Vân cũng mãi là kẻ làm bổn phận. Chuyện hôn nhân với Kim Trọng là “chuyện cửa nhà”, là “thừa gia”:

“Cửa nhà dù tính về sau
Thì là em đó lọ cầu chị đây…”

“Thừa gia chẳng hết nàng Vân
Một cây cù mộc, một sân quế hoè”

Thế là trong khoảng “ trăm năm trong cõi người ta” ngắn ngủi, Thuý Vân hiện diện giữa đời thực với sự cam chịu, lặng lẽ.

Với những nét bút vẽ nên “ khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” và duyên Tấn Tần đầy yêu thương của người chị Kiều trao cho, người ta dễ dàng tin rằng cuộc đời nàng Vân mới may mắn làm sao. Và con người vốn ưa yêu thương những tài hoa vô giá nên chẳng để ý rằng đằng sau Kiều mười lăm năm lưu lạc má hồng tàn phai khổ đau và hi sinh vô lượng vì cha mẹ, còn một người em cũng lặng lẽ tạ ơn đời bằng một sự hi sinh chiếc bóng không lời. Nàng Vân tiếp kiến cuộc tình của chị dù biết rằng kẻ tri âm suốt đời kiếm tìm của chồng là người chị Kiều yêu quí của mình:

“Có khi vắng vẻ thư phòng
Đốt lò hương giở phím đồng ngày xưa
Dường như bên nóc bên thềm
Tiếng Kiều đồng vọng bóng xiêm mơ màng”

Rồi mặc nhiên cứ thế, nàng trở nên một tha nhân tù tội trong chiếu chăn hạnh phúc với ngưởi chồng bất đắc dĩ. Và người đọc từ xưa có nhìn thấy đâu những giọt nước mắt chảy vào trong che giấu ưu phiền của một loài cỏ dại(!?)

Có ai thấu hiểu trong căn nhà ấy, Vân đã từng chiêm bao thấy Kiều để “ tỉnh ra mới rỉ tai chàng”. Và chính thế nên trong màn đoàn viên tái hợp dở khóc dở cười của tạo hoá, một nàng Vân đau khổ tột cùng mới được phơi bày đầy đủ. Trong hình hài “tàng tàng chén cúc dở say” , một nàng Vân vô tâm ngày nào tan biến để nhường chổ cho những lời rành mạch về “tác hợp cơ trời” , về “ những là rày ước mai ao” trong tâm tưởng người chồng hờ , và cả nỗi trớ trêu “ vậy đem duyên chị buộc vào duyên em”.

Lạ thay lúc này chính là lúc nàng nói nhiều nhất trong đời, nói như một giải thoát nội tâm. Bởi lẽ chắc nàng hiểu, nên nàng là người đầu tiên gợi mở một hạnh phúc tái sinh cho Kim Trọng. có thể người ta vẫn hiểu là lúc này Vân lại tỏ ra vô duyên(!), Nhưng không, hơn ai hết nàng “từng trải” để thấu hiểu – ít ra trong khía cạnh này. Bởi vậy, nàng nói trong một giọng điệu cay đắng xót xa, đầy mai mỉa cho chính mình:

“Bây giờ gương vỡ lại lành
Khuôn thiên lừa lọc đã đành có nơi
Còn duyên may lại còn người
Còn vầng trăng bạc, còn lời nguyền xưa”.

Chàng Kim và chị Kiều vẫn “còn” rất nhiều, rất kịp thì sao nàng không nói(?!).

Thế mới biết nhưng dâu bể đa đoan của đất trời không chỉ “ tương đố” với tài hoa mà với cả những cuộc đời bình thường cũng bị nó phiền luỵ tất .

Với nàng Thuý Vân, một lần nữa người cha già thi ca trên núi Ngàn Hống đã hoàn mỹ cái lẽ yêu thương sâu thẳm của con người. Ông đã không bỏ rơi con người tuyệt sắc đã đành, nhưng cũng chẳng lãng quên những hoa đông cỏ nội thường tình.

Và có nên chăng khi một thời ta đã minh oan cho Thuý Kiều, môt lần biện bạch cho Hoạn Thư, thì lần này ta lại minh oan cho Thuý Vân? Còn bao nhiêu hoa tàn cỏ dại nữa trong đời ta chưa biết? Hẳn rằng lòng yêu thương mãi mãi vẫn còn đi lại trên mặt đất nhân thế, không chỉ biện bày chút tâm cho những đồng cảm mà còn lặng lẽ hiến dâng cho đời, cho người!

LÊ QUANG ĐỨC

Ngớ ngẩn

NGỚ NGẨN

Tôi vốn không có tật ngớ ngẩn. Ấy mà bây giờ mỗi ngày tôi phải bận “ngớ ngẩn” một chút – một chút thôi.

Số là … Anh ấy không phải thuộc tuýp người “sính” ngồi uống cà phê. Tuy vậy, thỉnh thoảng anh vẫn cùng bạn bè ra đây ngồi để trò chuyện. Rồi một hôm, anh bỗng sinh tật “sính” ngồi quán cà phê. Quán cà phê của chủ tôi nằm ngay góc ngã tư đường Vành Đai Trong và Đường Số 7. Ngay giao lộ là cái bùng binh con con. Người qua lại đa phần là công nhân công ty giày Pouyuen – mà mọi người quen gọi là công ty “Bon chen” – cùng các công ty trực thuộc khu công nghiệp Tân Tạo. Cảnh quan ngày ngày không có gì đặc biệt khiến thiên hạ phải bận tâm để trở thành ngớ ngẩn.

Sớm hôm đó, anh cùng bạn ra quán. Vừa đặt hai ly cà phê đá xuống rồi dợm quay vào, tôi chợt nghe anh kia nói:

– Cậu xem, có một con nhỏ thật ngớ ngẩn.

– Ai?

– Đó, cái con đi trên chiếc City đỏ đó!

Quả nhiên có một “ con nhỏ” đi trên chiếc City đỏ. Song tôi cố vận dụng mọi khả năng quan sát nhưng vẫn chưa phát hiện ra điều gì ngớ ngẩn ở cô ta.

– Nó sao?

Anh hỏi lại với vẻ hơi quan tâm:

– Thì ngớ ngẩn chớ sao! Ai cũng đi tắt bùng binh cho nhanh. Đằng này có mỗi nó đi hết vòng chi cho cực..

– Á à…

***

Hôm sau anh đến. Lần này thì anh đi một mình. Tôi ngạc nhiên rồi lại tự nhủ: “Có gì phải thắc mắc. Người ta uống thì quán thêm đông chứ sao”. Thế là tôi bưng cà phê ra. Nhưng nhiều hôm kế tiếp, anh lại liên tục một mình đến uống cà phê trước lúc đi làm vào tầm sáu giờ kém. Hiện tượng này làm cái mối thắc mắc của tôi mỗi ngày mỗi kéo ra thêm một khúc. Tôi tự đặt ra nhiều giả thuyết… nhưng cái đáp án “ vì sao anh đến uống một mình” vẫn là một mối dây bí ẩn.

– Dạo này sao anh hay uống cà phê quá vậy?

Nghe hỏi, anh ngoái cổ nhìn tôi đăm đăm làm tôi hiểu ra mình đã hỏi vô duyên. Dường như để tỏ sự cảm thông với cái ngượng của tôi, anh ngó trở ra đường, mỉm cười đáp:

– Tôi chờ một người

– Chờ ai, sao ngày nào anh cũng chờ mà không thấy họ đến?

– Họ có đến.

– Sao không ghé vào?

– Ghé làm chi?

Đến lượt tôi thấy anh vô duyên. Bấy giờ tôi lại đăm đăm nhìn anh, cố xem anh có ngượng chút nào không. Chẳng những anh ta chẳng mắc tí ngượng ngùng nào mà còn cười tươi rói chỉ ra bùng binh. Nhìn theo tay anh, mắt tôi gặp ngay một người. À, ra là cô gái mấy hôm trước họ đã kháo nhau. Cô gái đeo khẩu trang nên không ai rõ được dung nhan cô. Nhưng qua trang phục hợp thời, tôi đoán chị ấy không quá ba mươi.

Giờ thì tôi đã tàm tạm hiểu lý do anh ra ngồi ở quán”tôi” . Không biết sự ảnh hưởng đến với anh là việc đi vòng bùng binh hay từ dáng vóc đẹp của cô gái. Thú thật, tôi rất muốn hình dung được những gì đang diễn ra trong lòng anh, nhưng lại không dám xỏ guốc để thử dò dẫm vào cái thế giới kì bí ấy. Do đó, đối với anh, tôi chỉ có việc bưng cà phê; rồi như một kiểu phản xạ, cứ nghe chuông đổ sáu giờ, tôi lại ngó ra bùng binh. Làm vậy, có lẽ không phải để nhìn cô gái mà như để cùng chia sẻ với tâm trạng của một anh chàng trông ngồ ngộ.

Một hôm, tôi vừa đặt ly cà phê xuống bàn, liền nghe anh nói:

– Cô thấy chưa, đã có người làm theo cô ấy rồi đấy!

Tôi nhìn ra, quả là có lác đác vài chiếc xe chạy theo chị ấy, trong khi số đông vẫn đi tắt bỏ bùng binh.

Thật ra điều đó đối với tôi đâu có nghĩa gì. Tôi chưa bao giờ nhận xét người ta đi như vậy là hay hay dở. Có lúc trên đường tôi cũng bị va quẹt vì xe ngược chiều lấn tuyến hoặc từ trong hẻm có ai đó bất thần nhào ra ngay mũi xe tôi. Lúc ấy tôi biết ngay họ sai. Còn chuyện cái bùng binh thì… từ hôm nó mọc ra đó, có ai đụng nhau vì đi tắt hay đi vòng đâu. Vậy mà anh chàng này mỗi ngày lại làm cái việc ngớ ngẩn là ngồi quan sát xem ai đi vòng, đi tắt. Nhưng dù sao riêng tôi vẫn cảm thấy anh rất ngộ.

Bất ngờ hôm sau anh không ghé quán. Cô gái kia vẫn chạy xe qua ngang. Rồi thật lâu anh cũng không ghé quán nữa. Tôi nao người vì thiếu vắng sự ngớ ngẩn của anh.
Cái ngớ ngẩn rất điềm tĩnh nhưng chứa đựng nhiều lý lẽ. Là một kiểu ngớ ngẩn có sức làm ngơ ngẩn những cái đầu lạnh ngắt.

Và không rõ từ bao giờ tôi đã thay anh làm cái việc ngớ ngẩn đó. Ngày ngày, cứ nghe chuông đổ sáu giờ sáng tôi lại dõi mắt về phía bùng binh xem có ai chạy vòng theo cô gái hay không.

Bình Tân, 2003
Thái Thanh Nguyên

Những lời bình về truyện ngắn Ngớ ngẩn

Nói cho vui thì Thái Thanh Nguyên không viết truyện này bằng bút mà viết bằng com pa. Người viết lấy tâm điểm là cái bùng binh Bình Tân, một không gian xác định rồi quay com pa khoanh một đường tròn. Khởi đi từ mỗi ngày, những cung văn chương kéo dài, cho tới lúc chữ ngày bắt đầu gặp chữ ngày kết thúc thì đường tròn vẽ xong, truyện được khép kín bằng một vòng thời gian.

Người kể chuyện khéo đặt không gian và thời gian vào cùng một bình diện hình tròn, để bạn đọc giàu tưởng tượng có thể đọc truyện mà như đang nhìn xuống một cái mặt đồng hồ, đang coi giờ, đang chờ thời khắc cái xấu chuyển thành cái tốt. Người đọc được theo đuổi một chuyển biến đang vất vả vượt qua những chướng ngại có tên là NGỚ NGẨN.

Hành trình này bắt đầu từ một người vô danh – và không rõ mặt – một con nhỏ đi trên chiếc city đỏ. Cái giọt đỏ nhỏ nhoi ấy kiên trì ngày ngày vào lúc sáu giờ sáng, vào thời khắc một ngày mới đang tới, lại xuất hiện nơi giao lộ có tên gọi là đường đi đến bon chen – để không bon chen giành đường mà khiêm nhường và đĩnh đạc đi theo đúng phần đường của mình. Trớ trêu thay, một kiểu đi đẹp theo sách xưa “quân tử hành vi đại đạo” lại biến cô thành một kẻ ngớ ngẩn!

Chữ ngớ ngẩn xuất hiện cả chục lần trong truyện, kiên trì như cà phê Thanh Nguyên (không phải Trung Nguyên) chấm giọt đen đen, giọt đắng đắng vào đường trắng trắng, để rồi bạn đọc được nghe như reo lên một câu ca ngọt ngào: “đã có người làm theo cô ấy rồi!”.

Theo giọt đỏ kia đi đến hết truyện này, xin được hỏi, giữa niềm tin đã reo lên kia và niềm tin vào một cách sống đẹp đang còn tiếp tục vận hành trong truyện qua nhân vật “tôi”, điều nào tác động đến bạn mạnh hơn?

Báo Tài hoa trẻ 256 – 2003 (Người Bình)
—–

Trên đời này có mấy ai thích người khác gọi mình là ngớ ngẩn! Thế nhưng nếu được ngớ ngẩn như “con nhỏ ba mươi” trong truyện thì cũng lắm người đưa tay tình nguyện, bởi vì chính sự ngớ ngẩn ấy đã âm thầm mang đến an toàn cho những ai đang tham gia giao thông chung và cho hạnh phúc riêng của anh chàng ngồ ngộ kia. Người Bình ơi, nếu có tình nguyện làm kẻ ngớ ngẩn như thế thi hãy rủ tôi với nhé!

Báo Tài hoa trẻ 260 – 2003
Nguyễn Thị Thanh Thuý
(Trường tiểu học Hành Minh , Nghĩa Hành, Quãng Ngãi)
—–

Chữ “rủ” của Thanh Thuý khiến Người Bình nhớ tới bài thơ ca dao của Á Nam Trần Tuấn Khải và xin mượn giai điệu Á Nam mà thưa rằng:

Rủ nhau mò luật giao thông
Đem về nấu với anh công an… nửa chừng!
Ai ơi nộp phạt đã từng
Phóng nhanh vượt ẩu xin đừng theo nhau!

Người Bình
—–

Người Bình ơi, giá mà tôi được làm anh ngớ ngẩn thì hay biết mấy vì ở quê tôi, một vùng quê nghèo khó, cũng có cái bùng binh đổi đời kia. Đó là niềm vui nhưng lại là nỗi buồn vì những chen lấn dồn vào nơi này. Ước chi rồi đây cũng có một cô nàng đi citi đỏ, để tôi được làm anh chàng ngớ ngẩn!

Báo Tài hoa trẻ 260 – 2003
Phú Quốc
(Tân Trụ, Long An)
—–

Người Bình cũng đã đến cái bùng binh ấy nên rất thông cảm với bạn Quốc. Nếu có dịp gặp nhau xin chép tặng bạn bài thơ tình của ai đó – và chắc là chép sai – để bạn có cái mà lẩm nhẩm khi đứng chờ nàng.

Người Bình

Biêng biếc phù du

Biêng biếc phù du
Thơ Thái Thanh Nguyên

Nhà xuất bản Thanh Niên
Chịu trách nhiệm xuất bản: Mai Thời Chính
Biên tập: Hoàng Văn
Bìa và trình bày: Thái Thanh Nguyên
Tranh bìa và minh họa: Nguyễn Hữu Nam

***

Ta cùng em lướt thuyền thơ
Đưa câu Bát nhã vỗ bờ tử sinh
(trích thơ Thái Thanh Nguyên)

***

Kéo dài ngọn bút thiên thai
Trăm năm chưa vẽ hết ngày trần gian
(trích thơ Thái Thanh Nguyên)

Gương em

Nửa đời vẫy mực mài son
Điểm ra của cải em còn chiếc gương
Ta soi – trong sáng diệu thường
Ngó vào lấp lánh thiên đường tuổi thơ
Trông ra bát ngát phương chờ

1983
Thái Thanh Nguyên

Thấy

Thấy sanh diệt
không buông
thì sanh diệt

Thấy hư không
liền bám
thì rơi

Thấy không – không thấy
hỡi ơi !
đều lang thang
giữa luân hồi – vô sanh

1984
Thái Thanh Nguyên

Vịnh đò

Ngửa lòng hồ hải phơi trên sóng
Mắt ngọc hoen sương má nhạt hồng
Một lối xuống lên còn chật chội
Đôi bờ qua lại hãy bềnh bồng
Thuận tình đẩy mái đằm thân mỏng
Ngược gió buông lèo xoải kiếp không
Mặc kẻ lâng lâng người thỏa thích
Đón đưa trăm mối tối nằm chong

Cao lãnh, 1987
Thái Thanh Nguyên

Không đề

Ước mong …
tìm gặp …
đam mê …
là thuyền hay sóng ?
lối về
… thênh thang

1988
Thái Thanh Nguyên

Độc hành

Một mình cất bước say
Ngan ngát lá vàng bay
Chợt ngẩn ngơ ngày ngắn
Rồi lơ đãng lối dài
Đã hay mây gió lặng
Lại biết sông hồ ngây
Khi chẳng là ta nữa
Còn ai thán với ai !

1990
Thái Thanh Nguyên

Bỗng nhiên

Bỗng nhiên ta gặp nửa ta
Bồng bềnh trong cái gọi là nhân gian
Tức thì rót nửa em sang
Trong veo hạt bụi hòa tan đêm ngày

1992
Thái Thanh Nguyên

Vùng tối sáng
(Họa thơ Hồ Huy Hoàng)

Ra đi háo hức nhặt hương đời
Mỗi bước tóc bồng lặng lẽ rơi
Chỉ thấy ngày đêm trồi mạch đất
Và nghe mưa gió dội cung trời
Chén say còn lửng ai đành dứt
Giấc ảo chưa đầy mộng chẳng vơi
Nửa kiếp quẩn quanh vùng tối sáng
Chợt thương quê cũ ánh trăng ngời

Bình Định, 14.06.03
Thái Thanh Nguyên

Vô biên

Tự nhiên trời trải trang mây
Cho ta vẽ cát bụi này vô biên
Đâu đây có nụ cười duyên
Của ai ta cứ triền miên vẽ hoài
Kéo dài ngọn bút thiên thai
Trăm năm chưa vẽ hết ngày trần gian

1993
Thái Thanh Nguyên

Khuyết đề

Nhặt mây lùa gió dựng thiên đường
Vốc lại trong tay nắm tuyết sương
Nửa bước trần ai sao thấy nhẹ
Một vòng mệnh số mãi xem thường
Thổi bầu lửa hạ nung thi tứ
Gom mớ tro đông ủ cú chương
Lắng giữa biển đời… nghe róc rách
Thoáng qua chiếc nhạn nét miên trường

Hội An, 19.06.03
Thái Thanh Nguyên

Tự tình trước biển

Đến đây ta lặng nhìn sóng biển
Biển sóng cuồng mà mềm mại biết bao
Biển thủy chung yêu dấu tự thuở nào
Không gặp em ta ngỡ như vẫn gặp

Em thường bảo ta hiền hơn đất
Em đi hoài sẽ dẫm kín đất không em?
Ta chỉ thấy em diệu kỳ như biển
Vì ta cũng không sao ôm sóng biển mang về

2002
Thái Thanh Nguyên

Bồi khuyết
(Cảm họa thơ Thích Thiện Thông)

Lặng ngắm đầu non nhớ mẹ quê
Nắng mưa dầu dãi chẳng câu nề
Những mong con trẻ nương bờ giác
Nên dấn thân già trụ bến mê
Bởi lẽ cơ duyên dồn bước đến
Nên chi tình nghĩa chậm chân về
Kiếp người cho dẫu dày công cán
Bồi trước khuyết sau gẫm chán chê

10.2003
Thái Thanh Nguyên

Còn em

Ngày lại ngày vẫn bát cơm
Mà ta nghe cỏ trong vườn nghêu ngao
Đêm về chỉ với trăng sao
Lắng trông vũ trụ xanh màu… à ơi
Ta còn em
chỉ ngần thôi

2000
Thái Thanh Nguyên

Toàn tập đăng trong trang blog cá nhân: http://blog.360.yahoo.com/tgthaithanhnguyen

Ngàn hương dội bóng

Ngàn hương dội bóng
Thơ Bình Nguyên

Nhà xuất bản Thanh Niên
Chịu trách nhiệm xuất bản: Mai Thời Chính
Biên tập: Hoàng Văn
Bìa: Vương Chi Lan
Trình bày: Tuổi Ngọc Design

Khúc giao từ

Ngàn hương dội bóng – lộ trình miên viễn của nhân sinh

Rất ngẫu nhiên mà không ngẫu nhiên khi trước mắt ta thể hiện một đoạn đường tàu chiều nối liền hương ngàn và bóng nhớ – bởi tự bao giờ con tàu sân ga đã là biểu tượng cho nỗi niềm của kẻ ở người đi

Sự phẳng lặng trầm lắng của hoàng hôn bỗng hóa ra một vùng áp thấp cho ký ức ngàn phương tràn về. Từ đó quặn lên những làn âm ba nhẹ nhàng nhưng khắc khoải, xa xăm nhưng mãnh liệt, dặt dìu nhưng khúc khuỷu… để rồi kết tủa nên muôn hình vạn trạng của ngôn từ và giai điệu thơ ca.

Vọng tiếng sân ga chiều tiễn biệt
còn nghe văng vẳng cuối đường tàu
(Nhớ )

Do đó hoàng hôn hiển nhiên trở thành giao thời diệu hữu nhất của quá khứ và vị lai, của nhận thức và tiềm thức – nơi đây người ta dễ đạt đến mức chín muồi sự chứng nghiệm bao điều trải qua trong cuộc đời để toát lên một tiền đề cho mai sau.

Hương ngàn xưa luôn hóa thân vào ngàn hương ngàn sắc tít tắp nơi xa qua chập chùng bóng nhớ. Tất cả tự nó thản nhiên luân lưu trên lộ trình miên viễn của nhân sinh khi biết rằng con đường ta đi tới đích là con đường trở về nguồn cội.

Mùa thu 2006
Thái Thanh Nguyên

Đôi dòng về Ngàn hương dội bóng

Tôi quen anh Bình Nguyên từ ngày gặp nhau tại Tổng hội Sinh viên số 4 đường Duy Tân khoảng giữa năm 1970. Anh quê Quảng Nam, tôi quê Quảng Ngãi cùng chung tâm trạng xa nhà “du học”. Những lúc ngồi bên đường uống nước anh thường đọc thơ cho tôi nghe và nhìn về quê hương đăm chiêu theo khói thuốc, tôi hỏi anh có gì buồn? – Anh trả lời
“L’ amour de la patrie mà em…”

Cho đến hôm nay tình cảm đó anh đã gói gắm trong tập thơ “Ngàn hương dội bóng” trao cho tôi đọc. Tôi nhớ lại câu nói trên của anh và liên tưởng đến tác phẩm “Tâm Hồn Cao Thượng” của văn hào Ý Edmond D’Amicis mà Hà Mai Anh đã dịch có đoạn: “Một buổi sáng đứng tựa lan can tàu nghe có người nói tiếng nước con, trào lệ cảm ở lòng con dâng lên và miệng con buột ra những tiếng kêu mừng rỡ”. Bây giờ đọc những bài anh viết về quê hương có câu:

Hồn hoang đi khắp bốn phương
tình quê đứng khựng giữa đường chiêm bao
(Giữa đường)

Tôi mới cảm thấy tâm trạng nhớ nhà, nhớ quê hương của anh mãnh liệt đến mức độ nào. Cảm xúc này không chỉ riêng ở trong anh mà mọi người xa quê đều có, nhưng anh diễn đạt trong thơ bằng trạng thái “đứng khựng giữa đường” khiến tôi có cảm giác như sững sờ bất động mỗi lần nhớ đến quê hương khi đọc lại hai câu thơ ấy.

Từ “trào lệ cảm ở lòng con dâng lên” đến “đứng khựng giữa đường chiêm bao” hình ảnh quê hương luôn hằn sâu trong niềm thương nỗi nhớ với bóng dáng cây đa – bến nước – sân đình của thời xa xưa “dội” lại những kỷ niệm không quên trong thơ anh:

Cây đa bến nước sân đình
hỏi anh – thơ thẩn tìm hình bóng ai ?
(Tìm em)

Trên bước đường tha phương, suốt cuộc hành trình của một đời thơ giữa con người với thiên nhiên, giữa tình yêu và cuộc sống anh đã ôm ấp đúc kết bằng thứ tình yêu quảng đại để cuối đời “xin gửi đến người muôn phương” quả là thứ tình bao la đồng điệu. Thứ tình yêu đó được trộn lẫn sắc màu quê hương phảng phất trong suốt tập thơ bằng những ngôn từ gợi nhớ đầy ấn tượng như những viên gạch kỹ thuật cấu trúc thành bức tường kiên cố vậy.

Sài Gòn cuối thu 2006
KTS: Lê Ngọc Anh

Hương thu

Hương thu
Thơ Lê Huy Thuần

Chịu trách nhiệm xuất bản: Mai Thời Chính
Tuyển chọn: Thanh Thái
Biên tập: Nguyễn Trường
Bìa: Nhật Khánh
Trình bày: Tuổi Ngọc design

Tựa

Từ hương thu đến vần xoáy cuộc đời

Mở đầu tập thơ là một bài khai bút Xuân để lần lượt giở ra từng trang ký ức cuộc đời theo một trình tự rất nhân bản. Từ đó sắc thu hiển hiện dần, lắng đọng dần đến bật toả hương và hoà nhập vào vần xoáy để chan hoà với bốn mùa luân chuyển cuộc nhân sinh.

Thơ Lê Huy Thuần xuyên suốt một phong vị dàn trải tâm trạng, ký ức bằng ngôn từ trực tính. Tôi rất ít khi viềt lời tựa cho một kiểu diễn đạt như vậy vì bản thân tự nó rất gợi hình gợi cảm không cần phải dẫn nhập.

Tuy nhiên, đơn giản – chính sự thiết tha,chân thành với cuộc sốngcùng với tấm tình sâu nặng dành cho người vợ hiền – tên Hiền – đã ru tôi một khoảnh khắc nào đó vào thế giới của anh để chợt thốt lên tiếng nói của mình đối với tập Hương thu.

Các bạn có cùng tâm trạng với tôi không khi nghe từng giọt vàng thu từ thi phẩm đang trân trọng rót vào lòng mình? Tin rằng sẽ cò nhiều lời đồng cảm sẻ chia cùng tác giả

Khai bút Giao thừa 2007
THÁI THANH NGUYÊN

Cho và nhận – Yếu tố quyết định thành bại cuộc đời

CHO VÀ NHẬN – YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH THÀNH BẠI CUỘC ĐỜI

Thế giới chúng ta đang sống thật muôn màu muôn vẻ và luôn chuyển biến xoay vần – trong đó, chúng ta ví như một hạt bụi, luôn trăn trở, băn khoăn về số phận của mình. Chúng ta có thể cho đi nhiều, làm việc nhiều, mơ ước nhiều, gom góp nhiều để có được cuộc sống ấm êm. Nhưng rồi, khi tất cả lắng xuống, có bao giờ bạn tự hỏi “ta cần gì từ cuộc sống?” …
Sẽ có nhiều ý kiến đưa ra. Chúng ta có thể cần cha, cần mẹ, cần bạn bè, cần vật chất, cần tình yêu thương… tuy nhiên, chúng ta thực sự cần gì từ cuộc sống này? Câu trả lời rất đơn giản, đơn giản đến mức bạn sẽ bàng hoàng khi nhận ra nó. Đó là: cuộc sống của bất cứ ai đều chỉ cần “cho” và “nhận”.

Chúng ta thường nhìn nhận vấn đề bằng hai cách.

Đối với cách nhìn bằng trực cảm, ta sẽ thấy cuộc sống có hai giai đoạn: thu nhận và cống hiến. Hai giai đoạn này chuyển biến giao thoa lẫn nhau. Như là, khi tiếp nhận đến một lúc nào đó sẽ thể hiện sự cống hiến; khi cống hiến đến lúc nào đó sẽ thể hiện sự tiếp nhận trở lại.
Đối với cách nhìn bằng biện chứng, chúng ta lại thấy hai cung cách “cho” và “nhận” này diễn ra song song với nhau. Nhưng cái này có thể nổi trội hơn cái kia, điều đó tuỳ thuộc vào bản thân mỗi người có dám đối diện và nhìn nhận hay không.

Quả thật, từ những giây phút chào đời đầu tiên, chúng ta đã cần sự quan tâm, chăm sóc từ gia đình, người thân, cần một nền giáo dục sơ sinh để rồi những gì chúng ta cho đi là niềm tin yêu, hy vọng lớn lao từ mọi người xung quanh.

Lớn thêm nữa, bạn bắt đầu cần thêm trang phục, cần giáo dục học đường, giáo dục giới tính, nói cách khác, bạn cần tri thức. Bạn vẫn cần tình yêu, nó bao gồm tình cảm gia đình, tình cảm cộng đồng, tình bạn, tình yêu đôi lứa.

Bạn sẽ cho đi những gì? Bạn biết lo toan nhà cửa, biết tham gia hoạt động xã hội, biết thể hiện tình cảm của mình với mọi người. Tính chất đó nếu được giáo dục tốt sẽ có thể được phát huy theo chiều hướng tích cực. Con người đó có đủ khả năng tư lực, tự cường, tự chủ. Họ luôn mong muốn được cống hiến cho đến tận giây phút cuối đời và coi đó là lý tưởng, lẽ sống của mình. Và quan trọng hơn, họ cảm thấy nhận được nhiều hơn những gì họ mong đợi. Dân gian thường bảo:

“Con tằm đến thác vẫn còn nhả tơ”

Thử nghĩ xem, “cho” và “nhận” có phải là điều cần thiết nhất trong cuộc sống hay không, khi một người suốt đời chỉ muốn thu nhận thật nhiều, thật nhiều để vun đắp cho riêng mình. Có thể người ấy sẽ được như ý muốn đấy, nhưng dần dần, sự ích kỷ không chịu cống hiến sẽ đẩy họ đến chỗ cô đơn và nhàm chán. Vì sao? Quá đơn giản, không gieo nhân không thể gặt quả, không “cho đi” sẽ không thể “thu nhận”. Đến một lúc nào đó, nhận ra, họ sẽ xiết bao sợ hãi và chới với trong khoảng trống mà mình đã tự chọn.

“Cho” và “nhận” trong cuộc sống này bao hàm rất nhiều. Chúng ta nhận về chúng ta những phần vật chất, tinh thần mà chúng ta cần, hoặc chính chúng ta sẽ cho người khác điều ấy không biết chừng!

Ví dụ như, những đoàn cứu trợ, tình nguyện đến vùng sâu vùng xa. Họ cho đi gạo, tiền, quần áo, sách vở, đồng nghĩa với cho đi tình thương, nụ cười, lòng nhân ái. Họ nhận lại những đoá hoa, những cái bắt tay, ôm hôn nồng nàn cũng là nhận sự cảm kích, lòng tin yêu, sự ủng hộ, và chúc phúc cho tương lai họ từ bà con đồng bào.

Hoặc, kinh Phật có dẫn: đức Ca-diếp trong một lần đi hành khất đã dừng chân tại một túp lền rách của bà lão ăn xin. Bà bệnh nặng sắp chết. Không có gì để bố thí trong khi đức Ca-diếp nhất định không đi chỗ khác, bà đành đổ phần nước cháo đã thiu cho ngài. Lập tức bà được siêu sinh về cõi cực lạc, cụ thể bà đã trở thành giai thoai. Đức Ca-diếp, ông nhận bát nước cháo, và cho đi sự từ tâm và sự hồi hướng phước đức đối với bà lão nghèo. Ý nghĩa thay!
Như vậy, sự “cho” và “nhận” trong cuộc sống này luôn là sự tồn tại tất yếu của con người.Do đó, khi chúng ta tháo gỡ được vấn đề này có nghĩa là chúng ta đã có ý thức tự nhìn lại mình và đã có thể tự trang bị cho mình tư thế sẵn sàng cho một cuộc sống đầy màu sắc “thu nhận” và “cống hiến”.

Suy cho cùng, “cho” và “nhận” là những yếu tố quan trọng và đặc biệt cần thiết để xây dựng cuộc sống tốt đẹp, đặt nền tảng cho tất cả mọi nhu cầu và quyết định sự thành bại cho tài năng, danh tiếng, gia tộc và nhân bản.

Thu 2007
Cao Thái Thanh

Đạo tình

ĐẠO TÌNH
Thơ THÁI THANH NGUYÊN
NHÀ XUẤT BẢN VĂN HỌC
NHÀ SÁCH CADASA PHÁT HÀNH

Chịu trách nhiệm xuất bản: NGUYỄN VĂN LƯU
Chịu trách nhiệm bản thảo: NGUYỄN CỪ
Biên tập: TRIỆU XUÂN
Bìa và trình bày: TÁC GIẢ
Thư pháp : TRỤ VŨ (bìa)
GIANG PHONG – BÙI HIẾN – TUẤN HẢI

Thương tặng
Giác linh Song đường,thế danh:
TRỊNH BÌNH – NGÔ THỊ LIỄU
cùng hiện tiền nghĩa phụ mẫu:
THÁI XUÂN PHÁT – NGUYỄN THỊ BỀN

Câu thơ ai khắc trên bờ đá
Cho cỏ ru hời giấc nghỉ ngơi

(Trích thơ Thái Thanh Nguyên)

Những vần thơ từ Đạo tình thi tập

Em đến

Em đến
để hồn khô biết khát
Như người lỡ bước
giữa miền sa
Ô kìa !
ốc đảo trong lành quá
Ai có cho ta
giọt
thật thà

1978

Làm thơ

Thiên hạ làm thơ để tặng nhau
Để làm sanh kế để vơi sầu
Có người diễn tích bày nhân sĩ
Lại kẻ thao tài thốt ngọc châu
Mượn cớ than thân tuồng lão Tế
Giả vờ tự bạch kiểu nhà Cao
Ai kia vừa mới khen chê vậy
À – lại tớ làm thơ nữa sao !

1979

Sóng về

Em không khóc biển đầy ?
Sao sóng xô về đây
Giữa phố hồn chìm nổi
Chập chùng xa bóng mây

1985

Tarzan

Non cao rừng thẳm ấy nhà ta
Nhân ngãi trăng thanh hổ bạn già
Đẫy giấc Thiên thai hồn nhạc suối
Mượt tình Bách hợp sắc thơ hoa
Hoàng hôn bình lặng thong dong bước
Nắng sớm rộn ràng đủng đỉnh ca
Sinh tử tự mình đây định liệu
Vui buồn già bệnh há tìm ta

1984

Lửng

Mượn bút …
làm thơ
để tặng nàng
Người yêu mộng tưởng
chốn nhân gian
Chưa mơ nên Thánh !
Không làm quỷ !
Lơ lửng …
Ai hay … há
buộc ràng

1996

Về làng xưa

Về lại làng xưa đậm cõi tình
Ngõ quanh dậy luyến gót phiêu linh
Võ vàng lũy trúc vàng chân xóm
Bàng bạc sông trăng bạc mái đình
Nỗi nhớ đong đầy xoay ký ức
Niềm thương quay quắt nhắc tâm minh
Ngõ khuya ai đón! Người đâu tá
Lưu lạc nhau khi biệt cửa Trình

1990

Nước mắt

Nước mắt ai tuôn lặng suối ngàn
Cho hồn ta ruỗi lối thênh thang
Cho tâm tắm sạch mùi trần tục
Lên cõi Đào Nguyên cõi mắt nàng

1999

Mừng ta chúc bạn

Vui quá …! Nửa đời chửa hóa điên
Mừng chưa danh vọng cũng không tiền
Tình đời – ân oán đà bôi xóa
Nghĩa đạo – luân thường vẫn khắc biên
Chúc kẻ công tâm tròn chí phận
Mong người thuận ý thỏa nhân duyên
Còn ta quay nửa đời cô nguyệt
Thong thả về chơi những bạn hiền

2000

Chân cảm

Ai đã chia tay nửa đoạn trần
Vì gieo chồi ái đất vô sinh
Ân tình tươi nở từ chân cảm
Và chết trên tay một phỗng thần

2000

Vịnh chim trời

Ẩn hiện trong mây mộng hải hồ
Lưng trời vi vút vọng ngàn thơ
Ban mai tha thiết tia hồng vẫy
Bóng xế bâng khuâng ánh nguyệt chờ
Tung lướt dẫu đời giăng thế sách
Chao bồng mặc Tạo bủa thiên cơ
Mãi vui đêm trống ngày vô sự
Chén ngọc lầu son luống hững hờ

2003

Toàn tập đăng trong trang blog cá nhân: http://blog.360.yahoo.com/tgthaithanhnguyen

Về hát đồng dao

Về hát đồng dao
Thơ Nguyễn Vũ Anh

Chịu trách nhiệm xuất bản: Mai Thời Chính
Biên tập: Hoàng Văn
Bìa: Nguyễn Vũ Anh
Trình bày: Quỳnh Dao

Giao từ

Có một thời, thơ là nhịp đập ngỡ ngàng tự con tim khi cảm thức vô tình chạm phải âm thoa khe khẽ của chiếc lá rơi

Có một thời, thơ là lới yêu vụng dại ngọt ngào rót vào đôi mắt em lấp lánh trăng sao, đôi môi em hồng ánh ban mai ấm áp

Có một thời thơ là nước mắt, là nỗi nhớ quê, là tương tư, là những đêm lang thang du hồn lạc giữa đất trời

Mơ mộng và yêu thương, khổ đau và nuối tiếc, cuối cùng vẫn là hy vọng

Tất cả kỷ niệm rất buồn rất đẹp của Vũ Anh từ ký ức trở về hoá thân thành thơ như muốn nói rằng: Chỉ những rung động thật sự trong tâm hồn mình mới có thể tấu lên những khúc đồng dao

Sài Gòn thu 2006
THÁI THANH NGUYÊN

Về hát đồng dao

Nhà thơ Thái Thanh Nguyên viết lời giới thiệu cho tập thơ Về hát đồng dao của Nguyễn Vũ Anh vừa được Nhà xuất bản Thanh niên xuất bản có nói: “tất cả kỷ niệm rất buồn rất đẹp của Vũ Anh từ ký ức trở về, hoá thân thành thơ như muốn nói rằng: chỉ những rung động thực sự trong tâm hồn mình mới có thể tấu lên những khúc đồng dao…”

Quả đúng thế! Với rung động thực sự, Nguyễn Vũ Anh đã viết nên bài thơ Lối cũ tôi về mà tôi muốn giới thiệu trọn vẹn để bạn đọc rộng rãi tham khảo. Bài thơ không mới về nội dung và hình thức thể hiện nhưng nó hay là nhờ ở cái tính chân thực của một đứa con xa quê hương Phan Thiết nay mới có dịp trở về:

Tôi lại về bên dòng sông Mường Mán
Để được nhìn hình ảnh quá thân quen
Thuyền neo thuyền, san sát đậu kề bên
“Chuyền hơi ấm” cho qua mùa biển động.

Phan Thiết cuối thu, mưa dầm gió lộng
Ba chiếc cầu, ngầu nước đục phù sa
Từ làng xa, quẩy gánh họp chợ Hoa
Là nhịp khúc, nối đôi bờ cách trở?

Em thơ ơi! Hoa này đem xuống chợ
Huệ, trang, hồng, sen, sứ, cúc, trường sanh…
Còn hoa nào em dành để tặng anh?
Màu hoa đỏ chứa chan niềm son sắt?

Xao xuyến nhớ, bồi hồi thương, đuổi bắt
Mái trường xưa kỷ niệm cứ đâm chồi
Lúc bấy giờ…không chỉ một mình tôi
Hoa vông đỏ tiễn nàng về Thương Chánh…

Trăng sao lạnh, sóng Cà Ty lấp lánh
Bao con sông theo hướng biển tìm về
Nẻo đường quen, man mác đượm tình quê.
Tái hiện lại những ngày xưa thân ái.

Nói gì thì nói, thơ trước hết vẫn là cái tình. Ở bài thơ này, tình cảm về quê hương Phan Thiết của Nguyễn Vũ Anh đã chuyền đến được nhiều người dù rằng không sinh ra ở Phan Thiết nhưng ít nhiều đã sống ở Phan Thiết. Tôi nhận ra điều này khi tập thơ Về hát đồng dao của Nguyễn Vũ Anh được phát hành, đến tay những người đồng hương Phan Thiết đang sống ở Tp.HCM có dịp trao đổi với tôi.Nguyễn Vũ Anh có được tình yêu quê hương Phan Thiết đậm đà vì trước hết anh có nghĩa tình sâu nặng với cha mẹ và chị em ruột thịt của mình. Có thể nói những bài thơ viết về cha, về mẹ, về chị gái, em gái là những bài thơ đạt đến Cõi đạo của văn chương, nghĩa là có tâm thật tình thật như cách nói của nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn trong lời bạt viết cho tập thơ này. Và cũng có thể nói Về hát đồng dao là tập thơ đầu tay của anh muốn dành viết về quê hương Phan Thiết mà anh yêu quý, kể cả chuyện yêu đương của anh cũng chỉ thoáng qua trong những kỷ niệm đẹp ở lứa tuổi học trò, để rồi hiện tại anh tự thắc mắc:

Có những đêm tôi nhìn tôi trên vách
Thấy bóng mình đơn độc giữa tường vôi
Rồi chợt hỏi:
Mình đã già chưa nhỉ?
Sao tình yêu vẫn cứ mãi nằm nôi.

Tôi có thể giải đáp “thắc mắc” này cho Nguyễn Vũ Anh qua sự tình cờ ấy là mới tối thứ 6 tuần rồi, tôi gặp Nguyễn Vũ Anh trong chương trình Trò chơi âm nhạc của VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam anh là vị khách mời của chương trình với tư cách một ca sĩ.

Hóa ra, Nguyễn Vũ Anh không chỉ say thơ mà còn đam mê ca nhạc, hội họa. Tôi chợt nhận ra niềm đam mê văn học nghệ thuật của anh cũng là một phần máu thịt của anh, dù rằng hoạt động đó lúc này đối với anh đang là “tay trái”. Có lẽ niềm đam mê ấy cộng với công việc thường ngày quan trọng hơn những khát vọng khác theo quan niệm của anh.

TRẦN DUY LÝ
Báo Bình Thuận số 3283 – 10/11/2006