Xem Càn Long Thanh cung nhớ Trần Lê gia trang

Những ngày cuối thu này, Đà lạt có vàng thêm bởi những bước tôi nhẹ rơi thầm trên từng quãng dốc? Nàng tiên Trần Lê gia trang đã phi di về Đức Trọng, bỏ lại anh chàng Dinh 2 lặng lẽ với dáng u mặc trăm năm như cái thời nàng chưa hề đậu xuống nơi đây. Biết rằng đổi dời là lẽ thường của vạn vật, nhưng cái tôi nhiên nhiên này cũng không khỏi chút nao lòng. Hẳn chút nao lòng ấy cũng là nhiên nhiên chăng? Tôi sẽ dẫn bài viết hồi năm nảo năm nao ra đây hầu chuyện, rồi các bạn sẽ đồng cảm với những chút nao lòng của các bậc thiền sư, dĩ nhiên cho cả cái nhiên nhiên thấp thỏi của tôi nữa!

XEM CÀN LONG THANH CUNG NHỚ TRẦN LÊ GIA TRANG

Phim “Những câu chuyện về vua Càn Long” đã đề cao một ông vua lý tưởng một cách quá đáng, xa rời chính sử, và còn ngợi ca chí khí hào nữ, tài trí, tư tưởng cách mạng của những cô gái dân dã thời phong kiến. Những phụ nữ đó ở Việt Nam nhiều vô số kể. Những nhân vật: Võng Thị, Khương Tân, Trịnh Hoài Tú, Kim Vô Châm có thật không? Chưa ai xác định được, nhưng những nữ anh hùng, nữ chuyên gia, nữ lãnh đạo, nữ nghệ nhân, các bà mẹ anh hùng của Việt Nam qua từng thời đại là có thật. Họ hiện hữu trong đất nước ta, gần gũi bên ta, ngày ngày bằng trí tuệ, bản lĩnh, phẩm hạnh, tài năng… họ đã đấu tranh giải phóng dân tộc và tạo nên nhiều sản phẩm làm giàu cho bản thân, cho gia đình, cho đất nước và lưu truyền danh tiếng mãi về sau.

Chắc các bạn đã thán phục nhân vật Kim Vô Châm – không một miếng võ, không một tấc sắt cầm tay – chỉ bằng tấm lòng và sự tinh nghệ, đã cảm hoá một Sầm Cửu thất phu ngông cuồng trở nên một hiệp khách? Tại thị trấn An Lạc, huyện Bình Chánh, TPHCM, có nữ nghệ nhân hoạ sĩ Lê Thị Kim Dung thêu tranh bằng chỉ tơ lụa đẹp và linh động như cảnh sống thật. Nhân vật huyền thoại nói trên khiến tôi liên tưởng ngay tới tài năng của chị.

Tranh thêu tay của Trần Lê Gia Trang quả thực đã thu hút được những người vốn thờ ơ với nghệ thuật, chỉ chuyên trang trí tư phòng bằng những tranh studio hoặc tranh vẽ bằng sơn dầu màu nước. Nay một lần được hướng dẫn xem tranh của chị, tôi nghĩ: phải sưu tập một số hình ảnh chụp lại, đặt riêng một góc phòng để ngày ngày chiêm ngưỡng. Xem tranh của chị rồi, về nhà cứ thương thương nhớ nhớ như thương nhớ người tình; ước sao có thể mang về một bức cho thoả dạ. Các tao nhân mặc khách đến đây giao lưu, có nhiều người xuất bút thành thơ cho vài tác phẩm hầu biểu lộ lòng rung cảm giữa thơ và hoạ.

Tranh thêu của chị miêu tả nét văn hoá đặc thù của dân tộc Việt nam. Về Hoa có: Tranh “Mai Đào” trắng hồng hài hoà hương sắc. Có tranh “Đầm Sen và chim uyên ương” trắng tím lung linh tinh khiết, sống động với các đôi uyên ương gắn bó, man mác với những chiếc lá sen bạc màu, sắt se với màu da trời ánh trong dòng nước bạc…

Về cảnh có: “Vịnh hạ Long” ngàn năm huyền ảo. Có cảnh quê với tàng đa cổ thụ vững chãi, mái lá nên thơ, con đò lặng lẽ, xa xa ẩn hiện hàng cau rặng dừa trù phú. Có cảnh Phật bà tự tại bên ghềnh đá nói lên một lý sống vô cùng nhân bản: Dù ở tận cùng trời cuối đất, lòng ta vẫn tự tại an nhiên, vì trước mặt ta sẽ xuất hiện một một lối mới đầy những hoa sen thơm ngát, sẵn sàng nâng bước ta đi.

Về điển tích có: Tranh “Hồng Lâu Mộng” vương giả thanh tao như cảnh thiên đình. Có tranh “Hoa quả sơn” với cuộc sống tự do hoà bình hạnh phúc.

Về tình có tranh “Chị em” đùm bọc che chở nhau trong buổi kinh hoàng. Có tranh “Bác Hồ ở Pác Bó”, giữa cảnh sắc mênh mông muôn màu, Bác vẫn ngày đêm lo việc nước. Có tranh “Thiếu nữ ngủ trưa” với những nét đẹp trong trắng, bình dị, khát khao hạnh phúc và không phải ngẩu nhiên mà tác giả bố cục đôi dép úp ngửa kiểu Âm Dương

Hàng trăm tranh đẹp xuất thần
Mỗi tranh mỗi vẽ, mười phân vẹn mười.

Làm sao có thể phân tách hết được nét sắc sảo trong từng đường kim mũi chỉ. Làm sao có thể miêu tả hết được cái chất sống linh động trong từng bức tranh. Sao có thể dùng văn từ để diễn đạt hết được những điều sâu xa ý nhị của tác phẩm … Mà chỉ có thể thưởng thức trực tiếp, chúng ta mới có thể cảm nhận hết được.

Mời bạn hãy đến A 13/32 đường Tên Lửa, bạn sẽ được hướng dẫn đến gặp chủ nhân và tác phẩm. Bạn sẽ hiểu được tình người và nghệ thuật tại Trần Lê Gia Trang. Sẽ ngạc nhiên biết mấy, khi các bạn gặp ở đây không chỉ có người có tranh mà còn có cảnh thật.

Với đôi tay khéo léo, óc sáng tạo và một vốn sống phong phú, đôi vợ chồng nghệ nhân Trần Ngọc Thành – Lê Thị Kim Dung đã cải tạo mấy mẫu đất hoang thành một vườn tĩnh tâm kỳ thú. Bên ngoài là hồ bơi, nhà thuỷ tạ, sân quần vợt, xưởng thêu, nhà nghỉ để bạn có đủ điều kiện rèn luyện cơ bắp. Điều đó làm tinh thần bạn sảng khoái, mọi cảm giác bệnh tật đều tiêu tan.

Vào trong là vườn lan bốn mùa ngào ngạt hương thơm. Vườn kiểng cổ bon sai tạo tác công phu đa dạng làm bạn thấy cuộc đời như được thăng hoa, tâm hồn như trong sạch hơn bao giờ hết.

Càng vào trong bạn như đi dần vào cái cõi thiện nhất trong con người của chính mình. Bạn như đang dạo chơi một thắng cảnh thiên nhiên nào đó trên quê hương vì quanh bạn là những cảnh quang nghệ thuật hết sức tự nhiên. Cuối cùng bạn sẽ thung dung ngồi uống trà để đàm đạo và tự do tĩnh tâm hoặc tha hồ sáng tác tại ngôi gia tự trang nghiêm.

Các tác phẩm bon sai của Trần lê gia Trang đã liên tục đạt được huy chương vàng trong các Hội hoa xuân thành phố Hồ Chí Minh. Tranh thêu tay của chị Kim Dung đã tham gia triển lãm trưng bày phục vụ các nơi như: Hội Mỹ thuật TPHCM vào tết Dương lịch năm 1999, tại Cần Thơ trong dịp lễ 2.9.1998 và phục vụ Hội nghị Khuyến nông Đồng bằng sông Cửu long… Một vinh dự to lớn là tranh thêu tay của Trần Lê gia trang đã đại diện ngành tranh thêu Việt nam phục vụ hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 từ 8 – 16.12.1998 tại Hà Nội, đã có rất đông khách trong và ngoài nước đến tham quan và mua tranh.

Nhiều dư luận quốc tế đã đánh giá Trần Lê Gia Trang là một trong những viên ngọc quí của Việt Nam. Những con người ở đây đã sống, cống hiến và hưởng thụ bằng chính tài trí của mình. Qua đó tôi trộm nghĩ nếu chúng ta cũng có điều kiện thu xếp cơ ngơi của mình bằng đôi tay và khả năng “liệu cơm gấp mắm”, thì tư thất của ta cũng trở thành Cảnh sắc.

THÁI KIM THANH NGUYÊN
Báo Khoa học phổ thông, phụ san số 485 – năm 1999

Bình luận về bài viết này