Trịnh Bửu Hoài

Trịnh Bửu Hoài

Tên thật : Trịnh Bửu Hoài
Năm sinh: 1952
Nguyên quán :An Giang
Liên lạc: Hội VHNT An Giang, 43 Nguyễn văn Cường, TP. Long Xuyên
ĐT : 0913726846

Tác phẩm:

In riêng:

1. Thơ tình
2. Ngưới hành hương tình yêu
3. Mùa trăng
4. Giữa hai mùa hẹn ước
5. 48 giờ vòng quanh núi Sam
6. Xóm lá sen
7. Con chim tắm cát
8. Anh chỉ muốn yêu em và làm thơ
9. Tình yêu đâu phải là trò chơi
10. Tình yêu trong veo
11. Nhớ nhau từ một sớm mai
12. Vụ án vườn tao ngộ
13. Tai biến của tâm hồn
14. Nửa tuần trăng mật
15. Hiến thân
16. Người tình trong sân trăng
17. Địa ngục trong ánh mắt thiên đường trong đôi môi
18. Hình sương bóng khói
19. Một chút tình xưa
20. Người tình soi gương
21. Thơ tặng riêng người
22. Người xa người
23. Thơ thời áo trắng
24. Xứ của yêu thương
25. Đôi môi hình trái tim
26. Quê xa
27. Lẽo đẽo bụi hồng
28. Huyền thoại tà áo trắng
29. Cái đẹp của ảo tưởng
30. Mùa hội vía bút ký
31. Thơ tình mùa xuân
32. Thơ tình mùa hạ
33. Gởi một người phương xa
34. Thầy tôi và bạn tôi
35. Thơ tình mùa thu
36. Thơ tình mùa đông
37. Vườn chim áo trắng
38. Non nước Hà Tiên
39. Tứ tuyệt mùa xuân
40. Lễ vía quản cơ Trần Văn Thành
41. Ký ức
42. Màu tím học trò

V.v…

Tuyển chọn: Tham gia biên tập nhiều ấn phẩm
Góp bút trên 50 tuyển tập
Bài đăng trên nhiều báo chí trong và ngoài nước

Những vần thơ tiêu biểu: 

Quê xa

Đã mấy năm dư không về nữa
Cuối nẻo trời quê mây trắng bay
Đời ta như một hòn bi nhỏ
Cứ lăn đi trên những dốc dài

Quê người lạnh lắm những chiều đông
Dù cũng vầng trăng cũng nhánh sông
Nhà ai sợi khói bay như mộng
Héo hắt lòng ta bếp lửa hồng

Mỗi một ngày qua thêm nỗi buồn
Đời mình như thể cánh chim muông
Ngậm cọng cỏ bồng bay viễn xứ
Giật mình, ngoảnh lại đã hoàng hôn

Mẹ ta như một bờ lau trắng
Nhớ cánh cò xa biệt chốn nào
Tiếng ngoáy trầu khuya buồn đứt ruột
Nghe bước ta về trong chiêm bao

Cha ta như một tàn cây quạnh
Tóc đã phai màu theo nắng mưa
Sớm tối còng lưng bên ngõ trúc
Thương con se sắt gió giao mùa

Ta lưu lạc hai bàn tay trắng
Nhớ quê hiu hắt những vần thơ
Đã mấy năm dư không về nữa
Sống ở quê người như giấc mơ !

Đêm ngủ dưới chân Ngự Bình
Tặng anh chị Ngàn Thương

Nhà bạn chìm trong xóm nhỏ
Chiều phai mái bạc gió lùa
Rào thưa biết đâu là ngõ
Vách vàng ố vết rong mưa

Nền gạch làm nơi tiếp khách
Quanh năm bóng một khoảnh tròn
Giường vạc đầu kê gối sách
Chúc bạn xa về ngủ ngon

Nhưng ta làm sao ngủ được
Huế thơ mà bạn ta nghèo
Quá đêm còn nằm thao thức
Ngậm ngùi một mảnh trăng treo .

Ngoài kia sương bay như mộng
Nghe hương Huế ấm lòng mình
Trải hồn trong gian nhà trống
Bạn ta tiếp khách bằng tình

Bạn ta hồn nhiên say ngủ
Đâu hay dằng dặc đêm dài
Ta thấy sông Hương núi Ngự
Mênh mông nhà bạn đêm nay.

9 thoughts on “Trịnh Bửu Hoài

  1. Ở trong cuộc đời của mỗi người làm thơ, có được vài câu thơ tâm đắc, được mọi người thuộc và nhớ đã là hạnh phúc lắm rồi. Còn nếu nó được lưu truyền, cắm rể vào trong dòng chảy của nền văn hoá đất nước, trở thành một thứ tài sản tinh thần chung của mọi người, thì đó quả là sự viên mãn quý báu mà cuộc sống dành cho nhà thơ. Muốn có được điều đó, thiết nghĩ ngoài cái tài sử dụng con chữ, nhà thơ cũng cần phải có cái tâm. Yêu thương cuộc sống, biết đồng cảm, biết lắng nghe, và quan trọng nhất là hoà nhịp vào sự rung động của cuộc sống, để từ đó có những câu thơ thổn thức cho đời.

    Làm sao không nhớ đến Hàn Mặc Tử khi đọc hai câu thơ Ngày mai trong đám xuân xanh ấy, có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi, hay khi đọc Cứ ngỡ xuống trần chơi một chốc, nào hay ở mãi đến hôm nay, thì chắc ăn hình ảnh của lão thi sĩ cuồng Bùi Giáng sẽ hiện ra ngay trong đầu ta…Trong đời sống văn học Việt Nam, có biết bao thi sĩ đã khẳng định tên tuổi của mình bằng những câu thơ xuất thần, đậm tính nhân văn. Về An Giang, khi đọc hai câu thơ Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt, nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà, có ai trong chúng ta không nhớ đến nhà thơ Phạm Hữu Quang. Một nhà thơ đất Bắc đọc xong hai câu thơ của Phạm Hữu Quang đã thốt lên rằng, chỉ với hai câu thơ ấy cũng đáng mặt nhà thơ.

    Đối với nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, chúng tôi đã chuyền tay nhau những bài thơ tình của anh, chép vào lưu bút …cho bạn gái. Những câu thơ như:

    Tên của tôi người đi xin đừng nhắc

    cứ xem tình như máu chảy ra sông,…..

    hay

    Thiên đường ta là chiều thơ sớm nhạc

    Nhạc chưa tàn mà buồn vướng trên mi…

    hoặc

    Một ngày ví với thiên thu

    Một đời ví với phù du thật buồn….

    Có thể nói anh có nhiều câu thơ hay, đọng lại trong lòng người đọc và chắc chắn một điều là nó gắn liền với tên tuổi của anh. Nhưng có lẽ với hai câu thơ Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp, Quê nhà một góc nhớ mênh mông, thì anh thật sự đã làm tròn sứ mệnh của người làm thơ. Chỉ cần gõ vào google từ khoá Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp, có vô số trang Wed, trang Bloge xuất hiện hai câu thơ ấy. Khi thì là câu tiêu đề, khi là câu đại diện thay cho hình ảnh. Nhiều nhất có lẽ là các bạn trẻ sử dụng làm chữ ký để trao đổi trên các diễn đàn. Có lẽ tầng suất xuất hiện của hai câu thơ ấy trên mạng cao hơn tất cả những câu thơ tiếng Việt đã dược đưa lên không gian ảo. Trong cuộc sống thường nhật ta cũng bắt gặp hai câu thơ ấy xuất hiện mỗi khi đến dịp lễ tết. Cầm trên tay hộp quà có in hai câu thơ ấy, có người xa quê nào mà không khỏi chạnh lòng, không khỏi những hoài niệm.

    http://bongtram.vnweblogs.com/post/22460/272375

    http://bongtram.vnweblogs.com/post/22460/272375

Bình luận về bài viết này