Ca trù

CA TRÙ

Ca trù gồm nhiều thể loại rất phong phú mà đào nương thường hát cho khách nghe ở ca quán hay ở nhà riêng như: mưỡu, hát nói, gửi thư, ngâm vọng, nhịp ba cung bắc, kể chuyện, sẩm, hát ru, hãm, ba mươi sáu giọng, hoặc những bài thơ dịch hay viết theo các thể thơ cổ Trung Quốc như Tì bà hành, Thiên thai, Thiết nhạc, Chức cẩm hồi văn…

Ca trù hiện nay đã được các nước bạn lưu ý và được chú trọng trong hoạt động văn hoá của người Việt ở Hải ngoại

Đây ta chỉ đi sâu vào cấu trúc của thể ca trù thông dụng và phổ cập nhất trong dân gian từ thế kỷ XVIII đến nay là HÁT NÓI mà ta quen gọi chung là ca trù.

NỘI DUNG

Ca trù là một thể thơ thường được các văn nhân viết cho các cô hát (đào nương) – ngày nay đã được xếp vào làng nghệ sĩ ca trù. Một bài ca trù thường gồm có hai phần:
– Mưỡu
– Hát nói

A. MƯỠU:

Mưỡu là mấy câu lục bát kèm theo với bài hát nói tóm tắt ý nghĩa bao trùm của cả bài. Từ mưỡu là do từ MẠO là cái mũ mà ra.

Mưỡu có thể đặt ở đầu bài(mưỡu đầu) hoặc ở cuối bài (mưỡu hậu).
Không phải bài hát nào cũng có mưỡu, có những bài không có mưỡu, có bài chỉ có mưỡu đầu, có bài có cả mưỡu đầu lẫn mưỡu hậu.

1/. Mưỡu đầu: Là những cặp lục bát đặt ở đầu bài hát nói. Mưỡu đấu có thể có

a). Mưỡu đơn: chỉ có một cặp lục bát đặt ở đầu bài hát nói:
Như bài “ Chữ tình là cái chi chi” của Nguyễn Công Trứ:

Chữ tình là cái chi chi
Dẫu chi chi cũng chi chi với tình

b). Mưỡu kép: Có 2 cặp lục bát:
Như bài hỏi gió của Tản Đà:

Cát đâu mà bốc tung trời
Sóng sâu ai vỗ, cây đời ai rung

Phải rằng di gió hay không
Phong tình quen thói lạ lùng trêu ngươi.

2/. Mưỡu hậu:

Bao giờ cũng là mưỡu đơn, nghĩa là chỉ có một cặp câu lục bát đặt ở cuối bài hát nói, trước câu KEO. Ví dụ ở bài Núi cao trăng sáng của Cao Bá Quát:


Rượu một bầu, thơ ngâm một túi
Góp gió trăng làm bạn với non sông
Mưỡu hậu
Núi kia tạc một chữ đồng
Trăng kia nhớ mặt anh hùng này chăng
Câu keo:
Xin thay kia núi nọ trăng.

Như vậy là cặp mưỡu hậu tiếp vận của câu 10 (câu xếp) … “Với non sông”.

Ngoài ra cũng có những bài hát vừa có mưỡu đầu lại vừa có mưỡu hậu như bài “Gánh gạo đưa chồng” của Nguyễn Công Trứ.

3/. Mưỡu dựng:

Mưỡu dựng là cả bài hát là một bài thơ lục bát hoặc song thất lục bát hoàn chỉnh, không có bài hát nói tiếp theo như bài “Thề non nước” của Tản Đà, hay bài “Chơi Chùa Hương” của Dương Lâm.

B. HÁT NÓI:

Hát nói có thể coi là biến thể hai thể thơ Lục bát và Song thất lục bát. Gọi là hát nói vì trừ những câu mưỡu, câu hãm ở cuối bài và những đoạn thơ bằng chữ Hán Việt hay chữ Nôm xen vào giữa những câu hát ra, nó bao gồm những câu nửa như nói, nửa như hát dựa theo thể nói sử biến cách, dài ngắn khác nhau từ 5, 6, 7, 8 đến 12 từ. Nhưng hình thức cơ bản là theo thể 7 từ và 7 từ biến cách, đồng thời kết hợp với hình thức “Trúc chi từ” (lối thơ thất ngôn tứ tuyệt vịnh những sự việc thường trong đời sống, lời lẽ thật thà, mộc mạc không văn vẻ) và thể văn biền ngẫu.

1/. Trổ (khổ) và câu:

Bài hát nói thông thường gồm 11 câu là đúng cách nhất, thường chia ra làm 4 khổ

a). Khổ đầu: gồm 4 câu:
Số từ trong mỗi câu không nhất định.

– Câu thứ nhất: thông thường 4 từ, cùng có trường hợp mở đầu câu bằng câu thơ ngũ ngôn, hoặc cả một cặp thơ lấn xuống câu 2. Cá biệt, câu cũng có thể 5, 6, 7 hoặc 8 từ.

– Các câu 2, 3, 4 có từ 7, 8 đến 9, 10 từ.
Như một bài thơ mở đầu bằng 2 câu thơ: CỦA KHO VÔ TẬN Nguyễn Quý Tân

Mở đầu bằng hai câu thơ
Câu 1: Thuỷ, trúc, vân, sơn, địa
Câu 2: Phong, hoa, tuyết, nguyệt. thiên. (*)
Câu 3: Dựa gốc tùng giở vân cờ tiên
Câu 4: Vầy tiệc cúc nghiêng bầu rượu thánh.

b). Khổ giữa: 4 câu:

– Hai câu 5 và 6 thường là những câu thơ chữ Hán hoặc chữ Nôm (Thể Ngũ ngôn hoặc Thất ngôn)
– Hai câu 7 và 8 có 6, 7 đến 8, 9 từ:
Câu 5: Khi thong thả nhất tràng, nhất vịnh (**)
Câu 6: Khách Lan đình cơn tỉnh cơn say. (***)
Câu 7: Khúc cầm xoang mài miệt canh chầy
Câu 8: Dìu dắt đủ năm cung hoà nhã.

c). Khổ xếp: 3 câu, có thể có 5 câu nếu có mưỡu hậu

– Câu 9: Có 7, 8 đến 9, 10 từ, có khi có tới 13, 14 từ.
– Câu 10: Thường thì 7,8 từ, đôi khi cũng có thể 9,10 từ
– Câu 11: Là câu tóm cũng gọi là câu Keo, thể hiện bằng câu 6 từ (từ của câu lục trong thơ lục bát)
Câu 9: Của thích tình sẵn sàng nơi thôn dã
Câu 10: đủ tiêu dung xuân hạ thu đông.

2 câu mưỡu hậu:
Thảnh thơi gió mát trăng thanh
Bức tranh sơn thuỷ một vùng cỏ hoa

Câu11: Câu KEO: thú này ai dễ hơn ta!

Chú thích:
(*) Trên đất nước, có trúc, có mây, có núi
Dưới trời có gió, có hoa, có tuyết có trăng.
(**) Mỗi chén rượu lại đề thơ.
(***) Vương Hi Chi đời Tống vẽ rất đẹp, chữ rất tốt. Ông có ngôi nhà bên sông Lan gọi là Lan đình. Vì chữ ông rất đẹp nên người đời gọi ông là “Thiếp Lan Đình”

2/. Biến cách:

Trong bài hát nói đôi khi cũng có trường hợp dôi khổ hoặc thiếu khổ. Trường hợp dôi hoặc thiếu khổ giữa chứ không thể thừa hoặc thiếu khổ xếp được.

Dôi khổ có thể dôi 1, 2, 3 khổ hoặc cá biệt có thể dôi nhiều khổ.
Ví dụ: Một bài ca trù dôi khổ giữa:
THANH NHÀN LÀ LÃI (Cao Bá Quát)

Khổ đầu:
Xử thế nhược đại mộng
Hồ vy lao kì sinh
Kiếp phù du vinh dục nhục vinh
Liếc mắt đám mây trôi mấy chốc.

Dôi khổ giữa:
Con tạo vật bắt đeo râu tóc
Nợ tang bồng phải trả mới là trai
Mảnh áo xiêm buộc lấy cái hình hài
Ngoài nghìn dặm chửa chồn chân ngựa ký

Khổ giữa:
Hiền ngu thiên tải truy thuỳ thị
Phú quý bách niên nặng kỉ hà?
Hơi công danh lớn nhỏ cũng là
Thôi mặn nhạt đã trải qua mùi thế.

Khổ xếp:
Tìm thú cũ hỏi thăm sơn thuỷ
Chén hoàng hoa ngồi lắng ngọn thu phong
Thảnh thơi một giấc bắc song.

MỘT BÀI CA TRÙ ĐÚNG KHỔ, ĐỦ CÂU:

SAY (Hồ Huy Hoàng)

MƯỠU:
Rượu nồng mượn chút tìm say
Có chăng là để giải khuây tấc lòng
Khi cần uống, lúc phải dừng
Chớ nên lợi dụng vô chừng hoạ mang

HÁT NÓI:
Đời nhiều ngang trái
Bao người khôn đành hoá dại khờ ngây
Thật cuồng ngông hay chỉ giả vờ say
Từ phận tớ lên thầy xin bái phục

Tai hoạ không mời mà điệp khúc
Phúc ân cố tạo – chẳng trùng lai
Chuyện đời thường như gió thoảng qua tai
Chẳng buồn nghĩ đúng sai thêm mệt óc

Mặc ai cười mặc ai than khóc
Người say sưa đâu phân biệt chính tà

Biết mình ai đã hơn ta!

Bình Định, tháng 07.07.00
Hồ Huy Hoàng

Nhóm Ca trù Tràng An

Tản mạn về Thảo cầm viên

TẢN MẠN VỀ THẢO CẦM VIÊN

Thảo cầm viên là một trong những công trình kiến trúc qui mô và có ý nghĩa xã hội lâu dài nhất trong quá trình 300 năm phát triển Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh.

Dự kiến Thảo cầm viên ngày xưa, bao gồm một khu vực lớn và tất cả các công viên đô thị, kể cả vườn Tao Đàn ( Công viên Văn hoá thành phố). Nhưng về sau, từ năm 1949, Thảo cầm viên được xác định qui hoạch khoảng 10 mẫu, giới hạn bởi rạch Bến Nghé, đường Chasseloup Laubat (Nguyễn Thị Minh Khai), đường Docteur Angier (Nguyễn Bỉnh Khiêm) và kho đạn cũ (nay thuộc Ba Son).

Nói tới Thảo cầm viên, chắc ai cũng liên tưởng đến một nơi có nhiều thú rừng, thú quí hiếm; Có trồng nhiều loại cây to, nhỏ, hoa cỏ và có nhiều ghế đá để ngồi nghỉ chân. Nhưng chắc trong số đó cũng có người hiểu rằng nơi đây là cả một Viện bảo tàng sinh vật học được nuôi trồng trên trên năm trăm giống cây Việt Nam.

Kể từ các cây gỗ rừng như: trắc, gụ, sao, sến, lim, săng, đước…, các loại cây mọc ở đời núi cao nguyên như: tùng, gòn, mù u, anh đào, cà phê, cù đèn, cẩm thị, gáo, da… đến các loại cây cho hoa đẹp như: điệp, bông bụp, dành dành, huệ, bằng lăng, sứ ta, sứ sa mạc, trúc đào, bông súng, súng nia, nguyệt quế… cũng không thiếu những giống cây di thực thuần hoá như: agao, xương rồng, cần thăng, lan, dầu con rái, thiên tuế, vàng anh… ngay cả những cây để chiết xuất hương liệu hoặc làm thuốc như: mã tiền, từ bi, ngô đồng, đu đủ tía, giáng hương, lệ chi, lài, tạo giác, vông nem…

Và nếu ai đã từng nghe nói đến cây bao báp khổng lồ, muốn tìm hiểu vì sao nó toả trùm bóng mát, chịu được mưa bão, vững chắc giữa một vùng hoang vắng? Thì lạ thay! Ở thảo cầm viên, ta sẽ thấy chúng được kết cấu vỏ thân rất mềm xốp như một cây gòn, trông thật dễ thương.

So với Công viên văn hoá Đầm Sen, hoa kiểng ở Thảo cầm viên không khởi sắc rực rỡ như vườn hoa châu Âu, cũng không được tạo tác công phu như Nam tú thượng uyển, không tập trung phong phú như nhà xương rồng – nhà hoa ôn đới… nhưng nó có một vẻ đẹp uy nghi và giá trị chân thật ít nơi nào sánh kịp.

Chúng ta hãy thử đến khu nhà kiếng một lần, sẽ khó mà quên được cái nét thầm lặng, hoài cổ của các cây mẫu được đặt trên các kệ đá.

Ngoài vườn là cây cát anh khoẻ khoắn, lồ lộ những bông hoa to đỏ bền bỉ một thời được mệnh danh là hoa mẫu đơn. Bên cạnh là những cây vàng anh mang tên họ “Sacara Dives”, mà các du khách Ấn Độ đi qua đây đều kính cẩn lễ bái, vì họ tin rằng đây là một cây nhà “Phật”. Xa xa những cây cau kiểng không kém phần giá trị thỉnh thoảng đung đưa âu yếm như muốn nhận họ hàng với giống cây thiên tuế mập mẫm xanh tươi! Trên lối ra, hàng cau ve chai tự tin khoe chiếc thân tròn trùn trục độc đáo của mình y như hnững chai sâm banh to tướng. Vẫn không hề làm khuất lấp nét e ấp của đôi dừa ba cạnh (cau tam giác) đang đứng tựa hàng hiên. Đặc biệt nhất là cây chiết sen. Trên tàng cổ thụ lấp ló những đoá hoa sen trắng tím với chùm nhuỵ vàng hồng toả tròn, ngát hương.

Đã nhiều năm nay, các đôi nam thanh nữ tú dắt nhau vào Thảo cầm viên chuyện trò tình tự – Có ai cảm nhận được cái nghĩa vụ cao cả của từng bóng cây ngọn cỏ đứng phơi mình, chờ các bạn đến gần để tìm tòi, nghiên cứu? Các bậc cha mẹ dắt trẻ để vào nô đùa, ngắm nghía những con thú rừng – Có ai nghĩ đến việc bổ sung cho con cháu mình biết thêm vài điều về sinh vật học, về tài nguyên thiên nhiên của đất nước?

Và chắc ít ai biết, các nghệ nhân, các kỹ sư, có người mới làm việc có vài năm cũng như có người đã cống hiến cả đời mình cho nơi này – Như nghệ nhân Trương Đấu – Luôn khắc khoải một niềm hoài vọng là đưa Thảo cầm viên trở nên một vườn sưu tập “ sinh vật học quốc tế” hoặc gọi cách khác là “Bách Thảo Viện” thì sự qui mô sẽ còn vượt xa.

Cho dù Thảo cầm viên hiện nay được sử dụng chưa đúng tầm vóc của mình, và nếu xếp vào một địa điểm du lịch thì bề thế không bằng Suối Tiên, Đầm Sen. Nhưng mãi mãi, Thảo cầm viên vẫn xứng đáng là một viện bảo tàng sống, cho thấy sự phong phú của rừng vàng biển bạc nước ta; Xứng đáng là một nơi đại diện cho Việt Nam – Đất nước – Con người.

THÁI THANH NGUYÊN

(Ảnh minh hoạ: gà lôi trắng trống mái, trĩ sao, hoa chiết sen)