Tứ Phương I và Tứ Phương II

Tứ phương I
500 bài thơ Đường luật xướng hoạ 147 tác giả
Nhà xuất bản Thanh Niên, quý 4, 2004

Tứ phương II
129 bộ xướng hoạ thơ Đường luật 168 tác giả
Nhà xuất bản Thanh Niên, quý 1, 2007

Chịu trách nhiệm xuất bản: Mai Thời Chính
Biên tập: Hoàng Văn
Tuyển chọn: Thái Thanh Nguyên
Bìa: Thanh Thái
Trình bày: Thuỳ Dương
Thư pháp: Phạm Thăng


Lời giới thiệu

Thơ Đường và xướng hoạ thơ Đường là một nét văn hoá đặc sắc lâu đời của đất nước Trung Hoa và được dân tộc Việt Nam yêu thích. Đó là một hình thức sinh hoạt văn nghệ tinh tế, thanh tao của giới nho học thời xưa. Thơ Đường chủ yếu là phương tiện để thể hiện cái chí của kẻ sĩ. Đồng thời còn là nơi để gửi gắm cái tình, chuyển tải cái sự trong cuộc đời.

Thơ Đường chịu sự ràng buộc của một hệ niêm luật chặt chẽ. Ngày nay các tác giả đã tự mình giải phóng khỏi những lề lối khắt khe đó nhưng vẫn tôn trọng những trật tự căn bản của Đường luật. tuy nhiên vẫn không ít người lạm dụng sự thông thoáng mà đã tự làm giảm chất “thơ Đường”, thông thường là làm hỏng tính đối xứng của hai cặp thực – luận và tính nhất quán của bài thơ. Nói để thấu lý, song muốn đạt tình thì phải trông chờ sự rộng lượng của người đọc.

Hiện nay thi khách Đường thi khá đông đảo. Khắp nơi đều có những câu lạc bộ thơ, hội thơ, nhóm bút… Nói cho vui là ra ngõ đã gặp nhà thơ. Tác phẩm của họ được gửi đi khắp nơi để mở rộng giao lưu.

Từ đó, việc xướng hoạ để gieo duyên hàn mặc trở nên phổ biến. Thậm chí các bạn thơ chưa hề biết mặt nhau vẫn nhiệt tình xướng hoạ. Do không xuất phát từ tình tri kỷ nên đa phần các bài hoạ đều thuộc dạng nương vận cảm tác, mỗi người thủ một ý. Tuy nhiên vẫn tạo cho nhau một cảm nhận đầm ấm và thú vị bởi cách giải bày tâm tư rất chân tình, bộc bạch. Vì vậy, các bài cảm hoạ cũng là sáng tác vì nó mang nỗi niềm riêng của người hoạ. Nhiều bạn thơ đôi khi vẫn tâm đắc với những bài hoạ kiểu này và sẵn lòng tục hoạ hoặc tục nương vận cảm tác.

Những vần thơ hàm ý không còn muốn bị ràng buộc bởi cái sự thế nhân mà lại chứa đầy nhân sự… tập thơ xướng hoạ theo luật thơ Đường Tứ Phương đã ra đời xuất phát từ ý nghĩa đó.

Nhà xuất bản Thanh Niên

Tựa Tứ phương 1

Qua chuỗi ngày lãng đãng trong cuộc rong chơi áo cơm trăng nước, tôi thấy thú vị khi mọi người vẫn thực hiện song song những điều có tính chất ngược nhau. Có rất nhiều gương mặt ưa đi tìm những bộ sưu tập thật cổ xưa đồng thời thích phát huy thêm nhiều điều mới lạ.

Tôi vui và buồn.

Vui vì trong đa diện cuộc sống, người người đang dần hướng về sự mẫu mực cốt lõi của quy luật âm dương sinh hoá. Sự việc luôn tồn tại hai mặt trái ngược nhau nhưng luôn tương hỗ nhau, bình hành nhau để phát triển lành mạnh.

Tôi buồn vì điều đó ít thể hiện trong thơ.
Vẫn cái chuyện dòng thơ cũ và dòng thơ mới.
Thể thơ luật và thể thơ tự do.

Trong khi dòng thơ cũ đang mệt mỏi trong sự gò bó lẩn quẩn với những niêm luật, ý tứ sáo mòn, thì dòng thơ tự do chắp đôi cánh mới sổ lồng bay tứ tán. Đến nay, vẫn chưa thật sự đem lại đồng cảm cho bạn đọc.

Có nhiều người quan niệm dòng thơ mới ra đời là để dần thay thế cho dòng thơ cũ. Nhưng tôi thấy đó chỉ là những thể thơ song song tồn tại tự bao đời như hai mặt âm dương của một sự việc.  Và rồi hiện thời hai dòng chảy đó cứ đóng tuồng hai mặt đối nghịch, đang hối hả đi ngược chiều nhau nhưng không hề có ý muốn tương tác nhau. Vì thế chắc chắn chúng sẽ khó mà phát triển theo hướng tích cực được.

Vậy cùng nuôi dưỡng hai dòng thơ! Sao không? Hãy thổi vào thơ luật những hình tượng – màu sắc – ý tứ của cái hiện đại và tưới vào thơ tư do những âm hưởng thanh thoát – tư duy thâm sâu của cái nguyên sơ. Trên bước đường thực hiện, tôi đã gặp những bước chân đồng điệu – 147 tác giả ba miền trên đất nước cho tuyển tập Tứ Phương 1.

Tứ phương 1 – 500 bài thơ luật Đường tứ mới, trong đó có những kết cấu từ ngữ, phong thái thi chương rất khác lạ so với thơ Đường trước đây. Tuy chẳng bay bổng như kiểu thơ mới và không nhất thiết gắn kết như lối thơ cũ, nhưng hẳn sẽ đem lại cho bạn đọc những điều rất thú vị, mới mẻ trong thể thơ luật Đường khá chặt chẽ của bút nhóm Bạch mai thi đàn.

Vẫn biết hiếm có những tác phẩm mười mươi nên chỉ mong trao đến độc giả sự tận tuỵ và tâm tình sâu nặng của Thái Thanh Nguyên cùng các thi hữu góp bút trong tập thơ này.

Sài gòn, thu 2004
Thái Thanh Nguyên

Lời giới thiệu Tứ phương 2

Tứ Phương!

Cụm từ này khiến chúng ta không khỏi nhớ đến tiêu ngữ của nhà xuất bản Bốn Phương ngày trước do thi sĩ Đông Hồ, một danh sĩ miền Nam chủ trương. Tuy là một nhà Thơ Mới nổi tiếng nhưng ông cũng là một bậc Đường thi lão luyện. Tiêu ngữ được ông nêu ra là:

“Góp lại tự bốn phương
Tung ra khắp bốn phương”

Không biết nữ sĩ Thái Thanh Nguyên của chúng ta khi chọn nhan đề cho bộ sách có sự giao thoa đến tiêu ngữ đầy thú vị này không?

Trước mắt chúng ta giờ đây là tập thơ Tứ Phương 2. Tập thơ xinh xắn bao gồm 129 bộ xướng hoạ đã được góp lại từ bốn phương của cả ba miền Nam Trung Bắc, các tác giả đã có phần đồng cảm hoạ vận thơ nhau. Tất cả hơn 500 bài thơ Đường luật tuy hình thức cổ điển nhưng ý tưởng vẫn mới mẻ, tiếp tục mượn giọng điều xưa mà nói chuyện bây giờ. Thơ Tứ phương đúng là một bộ thi tuyển có sức thu hút lớn đối với những ai có tâm huyết với thơ Đường luật cổ kính thâm thuý. Có thể nói đây là một cõi chơi sôi động, lành mạnh và trang trọng biết bao.

Đọc từng bài trong Tứ phương, bạn yêu thơ mới thấy được ý tình chan chứa, thanh cao và tao nhã. Người thưởng ngoạn tưởng như đang đi vào một thế giới thơ xướng hoạ bao la đầy vẻ hài hoà, đượm nồng Lý, Đỗ hồn xưa:

Rót tàn canh lả lời chưa cạn
Chan đẫm thư xanh lệ chẳng vừa
Thanh trắc bá chung thuyền phím cũ
Bờ nguyên lý đỗ cánh thơ xưa

(Thái Thanh Nguyên)

Tuy không viết hoa nhưng người đọc rất dễ nhìn ra bóng dáng những đôi bạn tri âm tri kỷ như Bá Nha – Chung Tử, Lý Bạch – Đỗ Phủ ẩn hiện trong cấu trúc thơ bản lề chặt chẽ hiếm hoi.

Và câu hoạ cũng mang nhiều màu sắc thuật ngữ:

Nhớ buổi tương phùng, say mộng cũ
Quên ngày tái ngộ, thức mơ xưa

(Võ Văn Đường)

Cũng rất cổ kính lại rất tân kỳ, rất riêng cùng rất đẹp với cặp xướng hoạ:

Hồ hải còn nguyên sau đảnh ngộ
Ngã nhân lạc mất giữa lưu đày

(Thái Thanh Nguyên)

Và:

Ấp yêu ngày tháng gầy thương nhớ
Vùi lấp rong rêu lún đoạ đày

(Bình Nguyên)

v.v…

xin được mạo muội đôi dòng gọi là mở ngõ. Mời các bạn tao nhân mặc khách gần xa cứ bước vào Tứ Phương tự do thưởng lãm. Bên trong tập sách này không hiếm cỏ lạ hoa thơm lung linh màu sắc từ đề tài đến bút pháp, ngôn từ đều phong phú thấm đẫm phong vị Đường thi Việt.

Đây là tập thứ hai của bộ sách thơ xướng hoạ Đường luật, hy vọng sẽ còn rất nhiều bộ sẽ lần lượt ra mắt bạn yêu thơ từ Bạch mai thi đàn. Chúc các bạn tìm được ít nhiều đồng cảm.

Bên Vàm Cỏ Tây, tân niên 2007
Trần Ngọc Hưởng

Bình luận về bài viết này